6 tiếng đồng hồ trước khi trận đấu giữa Argentina và Bolivia diễn ra trên sân La Paz, từ Thụy Sĩ, FIFA phát đi thông báo làm chấn động làng túc cầu và khiến người Argentina cũng như cá nhân Lionel Messi "căm phẫn và bất lực", cụm từ một thành viên đội tuyển Argentina tường thuật lại trên tờ La Nacion. Đó là án treo giò 4 trận dành cho ngôi sao đang khoác áo Barcelona vì hành vi lăng mạ trọng tài.
Án phạt này cực kỳ nặng cho một lỗi không được ghi trong biên bản báo cáo trận đấu của trọng tài. Để "được" treo giò 4 trận, vào năm 2015, Neymar vừa xô xát với cầu thủ đối phương vừa lăng mạ trọng tài và phải nhận thẻ đỏ. Một tình huống tương tự, Mascherano chỉ bị treo giò 2 trận, án phạt thường được áp dụng cho hành vi lăng mạ trọng tài.
Án phạt này được đưa ra bởi những người ngồi cách nơi xảy xa vụ việc tới 12.000 km sau khi xem lại băng ghi hình. Và án phạt này được áp dụng ngay ở trận đấu giữa Argentina và Bolivia, tức là lúc Messi và đồng đội đã có mặt tại phố núi La Paz sau một hành trình dài 4 tiếng cũng như sẵn sàng ra sân. Từ đó, dễ nhận thấy có quá nhiều vấn đề cho một án phạt.
Thế nên, khắp trên các mặt báo từ Argentina đến xứ Catalan, dĩ nhiên, xuất hiện những bài viết công kích thậm tệ cơ quan quản lý bóng đá quyền lực nhất hành tinh. Phó Tổng biên tập tờ Sport Lluis Mascaro thậm chí còn gọi hành động của FIFA là hành động xấc xược của một tổ chức... mafia, nơi từ lâu đã mục ruỗng bởi bè phái và tham nhũng.
Án phạt dành cho Messi là quá nặng
Trong khi đó, những cây bút khác lại đưa ra góc nhìn theo thuyết âm mưu. Cụ thể, FIFA muốn ra đòn dằn mặt AFA (Liên đoàn bóng đá Argentina), bởi cách ứng xử cứng đầu với cấp trên. Đơn cử như vụ AFA bầu cử chủ tịch mới lại không báo cáo lên FIFA. Theo AFA, việc xác định tư cách của các ứng viên nói trên chỉ cần do Tòa án Tư cách của Liên đoàn Luật sư thành phố Buenos Aires xác nhận là đủ. Hoặc thông tin “FIFA muốn Messi có mặt ở World Cup thế nên sẽ không dám loại Argentina”.
Một góc nhìn khác, chính Messi cũng khiến FIFA ngứa mắt vì từ chối tham dự Gala The Best vào đầu năm bởi lý do rất trời ơi đất hỡi là bận tập luyện chuẩn bị thi đấu cùng Barca. Nên nhớ năm 2016 là lần đầu tiên FIFA tổ chức trao giải The Best, thế nên tổ chức này muốn những ngôi sao sáng nhất của bóng đá túc cầu hiện diện để khẳng định uy tín và tầm ảnh hưởng. Vậy nhưng Messi lại vắng mặt.
Cuối cùng, vấn đề nằm chính ở Ban kỷ luật FIFA với người đứng đầu là Claudio Sulser. Ông này chính là tác giả án treo giò 9 trận dành cho Luis Suarez vì vết cắn nhẹ hều dành cho Giorgio Chiellini, như chính nạn nhân thừa nhận. Nhưng cũng chính Sulser phủ quyết án phạt đối với LĐBĐ Mexico khi CĐV nước này hành động miệt thị người đồng tính nhằm vào thủ môn đối thủ hay bỏ qua án phạt đối với LĐBĐ Nga và Croatia dù CĐV nước này có màn ăn mừng theo kiểu... Đức Quốc xã.
Tựu chung lại, từ những nơi đòi hỏi sự công tâm nhất như FIFA và ban kỷ luật của tổ chức này lại bị đặt dấu hỏi lớn nhất về sự công tâm. Thế nên, như Lluis Mascaro khép lại bài viết: "Có hàng triệu triệu điều tồi tệ hơn câu chửi của Messi xảy ra trên sân cỏ nhưng chẳng bao giờ được lắng nghe. Để rồi FIFA lại lấy Messi làm vật tế thần, bằng cách đưa ra một án phạt nặng nề và bất công, nhằm cảnh cáo sự bê bối của AFA, dẫu FIFA cũng chẳng lấy gì sạch sẽ cho lắm. Đó là đỉnh cao của sự điên rồ và nỗi xấu hổ!".