Đang mang thai đứa con đầu lòng, lại vừa trải qua một trận ốm nhưng chị Trần Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hà Linh (Hương Khê) gần nửa tháng nay vẫn cùng anh chị em trong ủy ban xã tất bật với công tác cứu trợ lũ lụt cho bà con. May mắn là ở vùng đất cao ráo nên không bị thiệt hại gì, ngày nước lũ dâng cao, nhà chị trở thành điểm tập kết người và tài sản của những hộ dân xung quanh.
Chị Hà Thị Thu (áo xanh) cập nhật danh sách hộ bị thiệt hại và giải thích những thắc mắc của bà con xung quanh công tác cứu trợ.
Chị chia sẻ: “Hà Linh là một trong những xã của Hương Khê chịu thiệt hại nặng nề, địa phương cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền đất nước. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục kê khai thiệt hại của bà con để có phương án phân bổ quà cứu trợ công bằng, hợp lý. Tuy nhiên, nhân lực có hạn mà khối lượng công việc quá nhiều, sẽ rất khó tránh khỏi sai sót, chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức để đảm bảo nguồn cứu trợ đến được đúng đối tượng, công bằng”.
Lũ đi qua gần nửa tháng nay, chị Hà Thị Thu - Trưởng thôn 3, xã Hà Linh mới có chút thời gian để dọn dẹp đống đổ nát của nhà mình. Trong lũ, nhà chị bị ngập sâu, đồ đạc bị nước cuốn trôi, chồng con ở xa, một mình chị chống chọi với lũ dữ. Cũng như bao gia đình khác, nhìn cảnh nhà ngổn ngang mà lòng chị xót xa nhưng từ hôm đó đến nay, công việc kê khai thiệt hại, cấp phát quà cứu trợ cho người dân cứ cuốn chị đi, chẳng cho chị kịp lo việc nhà mình. Nhìn người phụ nữ nhỏ bé tất bật ghi ghi, chép chép, giải thích những thắc mắc của người dân mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Ông Hoàng Xuân Tùng - Trưởng thôn Tân Trung, xã Phương Mỹ tâm sự: “Xã chúng tôi là rốn lũ, thôn lại nằm ở bên kia sông, khi lũ đổ về là bị cô lập hoàn toàn. Hàng cứu trợ đến, cán bộ xã, thôn phải dùng thuyền mới mang sang được cho dân. Những ngày qua, theo công tác cứu trợ, mọi việc ở nhà tôi phó mặc hết cho vợ con. Giờ việc làng, việc xã đang ngổn ngang, cũng chưa nghĩ được sắp tới làm thế nào để ổn định việc gia đình”. Nói đoạn, bác xin phép bỏ dở câu chuyện vì phải đón đoàn từ thiện lên cấp phát quà cho bà con.
Có tìm hiểu, tiếp xúc với những người như chị Huệ, chị Thu, ông Tùng…, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu những vất vả, khó khăn, cả những điều “tế nhị” họ phải trải qua trong thời điểm này. Vì trực tiếp liên quan đến "cơm áo gạo tiền" của dân, chế độ ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước với những hộ bị thiệt hại nên sự minh bạch luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Sự động viên của các tổ chức, cá nhân làm ấm lòng người dân vùng lũ trong cơn hoạn nạn
Có những trưởng thôn chia sẻ với chúng tôi rằng, cái khó nhất trong các đợt cứu trợ vẫn là khâu kê khai thiệt hại, lên danh sách và cấp phát sao cho công bằng giữa các hộ dân. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, một mức độ thiệt hại khác nhau nhưng tâm lý chung là ai cũng mong muốn nhà mình được hỗ trợ nhiều nhất có thể, trong khi số lượng quà thì có hạn. Để vừa đáp ứng nguyện vọng của bà con, vừa tuân thủ quy định trong hoạt động cứu trợ, đòi hỏi những người trực tiếp làm công tác này phải thật sự sâu sát tình hình, thẳng thắn, minh bạch và đổ không ít mồ hôi, công sức.
Nhưng, dù cố gắng đến mấy, sẽ không tránh khỏi những sơ suất không mong muốn. Và nhiều câu chuyện “tế nhị” đã xảy ra khi bác trưởng thôn của xã nọ bị cậu em họ ném thẳng cái bát vào người vì lý do: “Anh làm trưởng thôn mà không “cơ cấu” cho thằng em được ít suất quà, trong khi nhà hàng xóm thì nhận mấy lượt”. Đôi khi, có những người cứ nghĩ rằng, trong họ có người “làm quan” là nghiễm nhiên mình phải “được nhờ” mà không hiểu cho cái khó của những người làm việc vì cộng đồng khi họ phải cân bằng giữa cái lý - cái tình. Thậm chí, có những gia đình cán bộ thôn, xã cũng bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua nhưng vì là người trực tiếp làm công tác tiếp nhận quà cứu trợ, họ sợ điều tiếng nên ngại ngần trong việc kê khai mình vào danh sách nhận quà.
Một vấn đề bất cập phát sinh nữa là có những đoàn cứu trợ không thông qua chính quyền địa phương mà trực tiếp liên hệ và trao cho người dân nên không tránh khỏi việc trùng lặp danh sách nhận quà, hộ thì được nhận từ nhiều đoàn trong khi có hộ thiệt hại lớn lại không được hỗ trợ tương xứng và cảnh lộn xộn diễn ra là khó tránh khỏi.
Vừa qua, ở một số địa phương nảy sinh việc cán bộ thôn thu lại tiền cứu trợ của dân. Dù với mục đích gì thì việc làm đó cũng là một sơ suất trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận sự việc ở góc độ khách quan để có cái nhìn công bằng hơn. Trong lũ, số hộ thiệt hại thì nhiều mà quà cứu trợ có hạn, với suy nghĩ “nước lụt lút cả làng”, có những cán bộ thôn chọn cách “cào bằng” quà từ thiện để chia đều cho tất cả mọi người nhưng đã vấp phải sự phản đối của một số hộ dân. Câu chuyện “miếng bánh” luôn là vấn đề và trong thời điểm hiện nay, nó lại “nóng” hơn bao giờ hết.
Một cán bộ thôn ở huyện Đức Thọ trải lòng: Tiền bạc thì ai cũng cần thật nhưng làm gì cũng phải có cái tâm. Những người làm công tác cứu trợ như chúng tôi cũng luôn đau đáu làm thế nào để nguồn cứu trợ đến được đúng đối tượng, công bằng, minh bạch nhất. Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ - chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi có điều này tiếng nọ.
Trong cơn hoạn nạn của người dân miền Trung, hàng triệu trái tim đã hướng về và dù ở vai trò nào thì tất cả cũng chung một mong muốn là sẻ chia những mất mát, đau thương. Dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi những sai sót và còn đâu đó những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng điều cần nhất lúc này vẫn là niềm tin vào chính quyền địa phương để cùng chung tay thực hiện mục đích cuối cùng là ổn định cuộc sống, vực dậy tinh thần của người dân sau thiên tai.