Minh bạch thủ tục hành chính
Nếu như trước đây, để giao dịch hồ sơ chứng từ, chị Võ Thị Vinh – kế toán trưởng Sở Công thương Hà Tĩnh phải thường xuyên đến kho bạc để giao nhận chứng từ giấy, thì nay với dịch vụ công trực tuyến, chị Vinh nhận kết quả ngay tại cơ quan mà vẫn bảo đảm mọi hoạt động giao dịch.
Từ nay, tại KBNN Hà Tĩnh, mọi giao dịch bằng chứng từ giấy sẽ từng bước được "xóa sổ" để giảm thời gian và chi phí đi lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Chị Vinh chia sẻ: “Khi giao dịch chứng từ giấy, phải mất nhiều thời gian đi lại để theo dõi xem chứng từ đã được ký duyệt chưa, nhưng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ngay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả. Hầu như chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý, giải quyết ngay trong ngày. Thông tin nhanh, chứng từ lưu thông an toàn”.
Với cách thức giao dịch điện tử, các đơn vị tham gia không chỉ rút ngắn được thời gian và chi phí mà còn có thể giám sát quá trình giải quyết hồ sơ của nhân viên KBNN. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ, KBNN đang xử lý hồ sơ, KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán, KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ...
Cán bộ KBNN tỉnh tiếp nhận hồ sơ chứng từ điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến
“Hệ thống dịch vụ công trực tuyến công khai minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, kiểm soát chi không phải làm thủ tục giao nhận hồ sơ chứng từ giấy, tránh sai sót, giả mạo chữ ký, mẫu dấu. Qua hệ thống, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý hồ sơ, từ đó làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ” – Phó giám đốc KBNN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đến năm 2020 sẽ “phủ sóng” 100% đơn vị
Trước những ưu việt mà dịch vụ công trực tuyến mang lại, từ năm 2019, KBNN tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai cung cấp dịch vụ trên diện rộng ở các địa phương trên toàn tỉnh. Chỉ trong tháng 4/2019, KBNN tỉnh đã tổ chức 13 đợt tập huấn cho các đơn vị. Sau khi được tập huấn, tuyên truyền vận động, các đơn vị đều đồng thuận tham gia. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 5 – tháng 6), toàn tỉnh có 1.065/1.715 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến với 7.644 bộ chứng từ giao dịch. Tổng số tiền giao dịch qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 396 tỷ đồng.
KBNN tỉnh tập huấn ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cho các huyện, thị, thành phố. Ảnh: Thành Chung
Ông Nguyễn Hồng Lam – Phó trưởng Phòng Kiểm soát chi KBNN Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi phấn đấu hết quý III/2019, toàn tỉnh sẽ có 80% đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến; trong đó 100% đơn vị thuộc địa bàn thành phố, thị xã sẽ tham gia dịch vụ công trực tuyến. Theo lộ trình, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 100% các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong kiểm soát thanh toán”.
Để triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình, KBNN Hà Tĩnh đã và đang phối hợp với nhà mạng Viettel và VNPT để hỗ trợ, cung cấp các điều kiện kỹ thuật cho các đơn vị. Bên cạnh đó, KBNN cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động các đơn vị kịp thời tham gia ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong kiểm soát thanh toán, hướng tới xây dựng KBNN điện tử vào năm 2020.