Khó khăn trong quản lý người bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tăng cường biện pháp chăm sóc, quản lý người mắc bệnh tâm thần ở cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng và trong cộng đồng nhưng công tác quản lý, chăm sóc người mắc bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn…

Hơn 4 năm nay, gia đình ông N.V.K ở thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà) luôn thấy bất an khi người con trai là N.T.T (SN 1994) bị mắc bệnh tâm thần. Gia đình ông K. đã đưa con đi khắp các bệnh viện để chữa trị, tuy nhiên, bệnh tình của N.T.T chỉ thuyên giảm được một thời gian ngắn rồi lại tái phát. N.T.T thường xuyên la hét, không làm chủ được hành vi.

Khó khăn trong quản lý người bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh

N.T.T ở thị trấn Thạch Hà (áo đen) đang được điều trị, chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh.

Ông K. cho biết: “Lo lắng con không kiểm soát được hành vi gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình và hàng xóm, từ đầu năm 2022, gia đình tôi quyết định đưa con vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh để chăm sóc. Sau một thời gian được điều trị, chăm sóc tại đây, bệnh tình của N.T.T đã có nhiều chuyển biến tích cực, gia đình cũng yên tâm hơn”.

Khó khăn trong quản lý người bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh

Hiện có hơn 80 người mắc bệnh tâm thần đang được điều trị, chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, đã có những trường hợp người bệnh tâm thần sống cùng gia đình và gây ra những vụ việc đáng tiếc. Thực tế cho thấy, số người bệnh tâm thần được chăm sóc, quản lý là chưa lớn. Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh.

Từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh tiếp nhận, bảo vệ khẩn cấp đối tượng người khuyết tật dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn rất nhiều trở ngại khiến việc tiếp nhận và điều trị cho người bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương Hải Triều - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh cho biết: “Hệ thống các văn bản hiện chưa yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần nên nhiều gia đình không muốn đưa người thân của mình vào các trung tâm, bệnh viện chữa trị, thậm chí có biểu hiện che giấu bệnh tật… dẫn tới bệnh nặng hơn. Hiện cũng chưa có chính sách nuôi dưỡng bảo vệ, chăm sóc lâu dài đối với người bị bệnh tâm thần nên rất khó khăn cho công tác quản lý các đối tượng. Bên cạnh đó, tại Hà Tĩnh chưa có lực lượng cộng tác viên công tác xã hội để kết hợp với đội ngũ cộng tác viên ngành y tế thực hiện trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn”.

Khó khăn trong quản lý người bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh

Cán bộ y tế Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh thăm khám cho người mắc bệnh tâm thần

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật thần kinh, tâm thần nhưng các điều kiện về cơ sở vật chất chỉ mới đáp ứng tối đa 80 trường hợp; thiết bị phục vụ điều trị y tế, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, dạy nghề chuyên biệt chưa được quan tâm đầu tư; số biên chế quá ít so với định mức quy định (hiện chỉ có 4 y sỹ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho 72 đối tượng cai nghiện, 81 đối tượng tâm thần).

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 4.991 người tâm thần đang hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó, 313 người có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Người bệnh dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần ở Hà Tĩnh chủ yếu đang được gia đình, địa phương và các đơn vị y tế cơ sở chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng tại cộng đồng.

Khó khăn trong quản lý người bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh

Sau khi vào điều trị và phục hồi chức năng, người bệnh đủ điều kiện sức khỏe sẽ được trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Đến nay, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh đã thực hiện tiếp nhận nuôi dưỡng, chữa bệnh luân phiên cho 686 lượt người tâm thần, trong đó 203 lượt người lâu dài, 227 lượt người cần bảo vệ khẩn cấp và 268 lượt người tâm thần tự nguyện. Người tâm thần vào trung tâm được chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng để đủ điều kiện sức khỏe trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Khó khăn trong quản lý người bệnh tâm thần ở Hà Tĩnh

Ông Cao Đức Bản (SN 1966) ở tỉnh Kiên Giang (thứ 2 từ trái qua) sống lang thang ở xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) được đưa vào Trung tâm từ tháng 2/2015, đến tháng 1/2022 thì gia đình đón về nhà.

Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, hạn chế những hệ lụy xấu do người khuyết tật thần kinh - tâm thần gây ra trong cộng đồng, cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, của các gia đình có người bị bệnh và toàn xã hội. Chính quyền địa phương cần chủ động làm việc trực tiếp với gia đình có người bị bệnh tâm thần, yêu cầu gia đình người bệnh cam kết đưa những bệnh nhân chưa ổn định đi điều trị và không để người bệnh gây ra các hành vi nguy hiểm. Triển khai ngay các biện pháp để ngăn chặn kịp thời các hành vi nguy hiểm của đối tượng, không để gây án, đồng thời phối hợp với “Đội hỗ trợ, xử trí bệnh nhân rối loạn tâm thần, kích động, chống đối tại cộng đồng” của Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh để đưa bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện. Thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng vượt qua tự ti, mặc cảm, vươn lên, thoát khỏi bệnh tật, tái hoà nhập cộng đồng.

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách cho các đối tượng và gia đình chăm sóc nuôi dưỡng đối người bệnh tâm thần theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 1910/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 của UBND tỉnh về tiếp nhận đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác vào vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Tin liên quan:

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.