Vụ xuân năm 2018, Đoàn thanh - kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh phát hiện 2,4 tấn phân bón quá hạn sử dụng tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Thạch Đài (Thạch Hà). Đoàn lập biên bản, tịch thu, tiêu hủy sản phẩm và xử phạt chủ cơ sở 24 triệu đồng.
Đoàn Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Vũ Quang
Chỉ tính từ đầu năm lại nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Trong đó, 1 tổ chức kinh doanh chứa 2,5 tấn phân bón có nhãn hàng hóa nhưng bị mờ, không đọc được; 5 tổ chức sản xuất, kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Các lỗi vi phạm trong kinh doanh vật tư phân bón chủ yếu là buôn bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng...
Bên cạnh phân bón, các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng có nhiều tồn tại, nhất là lỗi buôn bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Tháng 5/2018, cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Viết Sơn (xã Tượng Sơn – Thạch Hà) buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đã lập biên bản và xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng.
Tương tự, với giống cây trồng, từ đầu năm lại nay, cơ quan chức năng đã xử phạt 2 cơ sở bán sản phẩm hàng hóa không có dấu hợp quy theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 15,2 triệu đồng.
Một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Thượng Lộc - Can Lộc
Bà Hồ Thị Thủy – Trưởng phòng Thanh tra – pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Với trên 1.000 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhiều cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, trong khi lực lượng chuyên môn mỏng và các cơ sở bán theo mùa vụ nên khó quản lý. Hơn nữa, các cơ sở nhỏ lẻ, nhiều mặt hàng nên khả năng đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở buôn bán lẫn lộn với các mặt hàng khác song chúng tôi chỉ nhắc nhở bởi quy mô của các cơ sở này quá nhỏ”.
Theo ông Phan Văn Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh: “Các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp mang tính thời vụ, nhanh chóng nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm theo từng lô hàng rất khó. Việc lấy mẫu gặp nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí, do đó chỉ kiểm tra xác suất tại một thời điểm nên kết quả khó chính xác tuyệt đối. Ngoài ra, thu nhập của nhiều người dân chưa cao nên dễ dàng tìm mua các sản phẩm giá rẻ, chất lượng vừa phải, vô hình trung đã tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng”.
Việc quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Hà Tĩnh hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn khó khăn
"Hiện là giai đoạn giao thời thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP bằng Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, do đó đã tạo ra lỗ hổng trong cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón cho các cơ sở, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, thời gian gần đây, chính quyền cấp huyện, xã tích cực vào cuộc kiểm tra và đã có những chuyển biến, tuy nhiên chưa quyết liệt và thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu." - ông Dũng cho biết thêm.
Bước vào sản xuất vụ đông 2018, Hà Tĩnh đã chuẩn bị nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng. Để giành vụ đông thắng lợi, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tuân thủ pháp luật; siết chặt quản lý, thanh – kiểm tra nhằm ngăn ngừa, phát hiện các vi phạm và xử lý nghiêm để tạo sức răn đe.