>> Ai gọi cứu hỏa, có ngay, có ngay!
Từ điển hình ở TX Hồng Lĩnh…
Tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) nằm sát dưới chân núi Hồng. Toàn tổ có 222 hộ, trên 800 khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Ông Lưu Sơn Tiến - Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Minh cho biết: Hàng tháng vào ngày rằm, mồng 1, người dân thường lên thắp hương ở các chùa, đền trên núi, ngày mùa lại có thói quen đốt rơm rạ… vì thế, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nhà, cháy rừng.
Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Minh - Lưu Sơn Tiến (thứ 2 từ phải sang) trao đổi về hoạt động của Đội dân phòng PCCC của khu phố với phóng viên, Cảnh sát PCCC và lãnh đạo phường Đức Thuận
Để nâng cao ý thức PCCC cho người dân, cùng với công tác tuyên truyền, năm 2013, tổ dân phố đã thành lập đội dân phòng PCCC, gồm 10 người do tổ trưởng tổ dân phố đứng đầu. Đây là đội quân thường trực vừa tuyên truyền đến các tổ liên gia, các gia đình nâng cao ý thức PCCC, vừa chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng tham gia cứu chữa khi có cháy nổ xẩy ra.
“Từ nhiều năm nay, tổ dân phố Thuận Minh luôn đảm bảo an toàn về PCCC, là tổ dân phố tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia PCCC ở Đức Thuận”, ông Phan Tất Cương - Phó Chủ tịch UBND phường Đức Thuận cho hay.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn – Phó Trưởng công an TX Hồng Lĩnh: Phong trào toàn dân tham gia PCCC ở TX Hồng Lĩnh ngày càng phát triển. Toàn thị xã hiện đã thành lập được 58 đội dân phòng PCCC, trong đó có 52 đội của các tổ dân phố, thôn và 6 đội thuộc UBND phường, xã. Hàng năm, UBND thị xã đều ban hành kế hoạch kiện toàn và tập huấn nghiệp vụ công tác PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng. Riêng năm 2016, công an thị xã phối hợp với cảnh sát PCCC và UBND các phường, xã tổ chức được 6 lớp tập huấn với gần 600 người tham gia.
Đến việc nhân rộng trong toàn tỉnh
Ngoài lực lượng chuyên trách, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị bố trí lực lượng chữa cháy chuyên ngành, đó là: Công ty CP Xăng dầu, dầu khí Vũng Áng và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Đại tá Lương Hữu Phùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Hà Tĩnh là địa phương triển khai sớm và khá quyết liệt Luật PCCC. Theo đó, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thành lập đội PCCC cơ sở (2.000 đội); hàng năm, công tác tuyên truyền, huấn luyện PCCC được triển khai đều đặn, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC đến tận các địa phương, đơn vị.
Diễn tập phương án PCCC tại một cửa hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao làm tốt công tác này như: xăng dầu, một số chợ, trung tâm thương mại... số còn lại hoạt động của đội PCCC cơ sở còn mang nặng tính hình thức. Hàng năm, ngoài việc tiến hành kiểm tra định kỳ của lực lượng cảnh sát PCCC, công tác tự kiểm tra ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm, nên không phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC, dẫn tới để xẩy ra hỏa hoạn.
Điển hình là một số cơ sở chế biến gỗ ở Yên Lộc (Can Lộc), Thái Yên (Đức Thọ) hàng năm vẫn để xẩy ra cháy, thậm chí có khi cháy 2 lần/năm... Riêng đối với hoạt động của lực lượng PCCC dân phòng thì hiện nay rất yếu, toàn tỉnh mới chỉ có: TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh và một số phường của TX Kỳ Anh thành lập được đội dân phòng PCCC hoạt động khá hiệu quả. Nhiều địa phương chưa thành lập được lực lượng dân phòng PCCC; một số địa phương đã thành lập nhưng chỉ mang tính chiếu lệ, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC. Bên cạnh đó, phương tiện, thiết bị PCCC cho lực lượng dân phòng còn thiếu; chưa thực hiện được quy định về mức chi hỗ trợ thường xuyên cho đội viên đội PCCC dân phòng...
Theo Đại tá Lương Hữu Phùng, việc đẩy mạnh phát triển phong trào toàn dân tham gia PCCC phải được gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với phương châm “bốn tại chỗ”: lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở. Mặc dù, đến nay, toàn tỉnh có trên 53 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chí điển hình tiên tiến về PCCC, như: Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, Tổng kho Xăng dầu, dầu khí Vũng Áng, Chợ thành phố Hà Tĩnh… nhưng xem ra công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC ở nhiều địa phương, đơn vị chưa được quan tâm, chú trọng, dẫn đến tinh thần trách nhiệm của đại đa số người dân chưa cao.
Bên cạnh đó, việc đầu tư ngân sách trong hoạt động PCCC chưa nhiều, phương tiện, thiết bị PCCC cho lực lượng dân phòng còn thiếu; chưa thực hiện được quy định về mức chi hỗ trợ thường xuyên cho đội viên đội PCCC dân phòng và đội PCCC cơ sở không chuyên trách... Đó là bài toán cần được giải quyết, tháo gỡ, để “khơi nguồn” cho phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho rằng: Ngoài việc chú trọng duy trì và củng cố các điển hình tiên tiến ở các xã, phường, thị trấn để nhân rộng thì cần phát động các phong trào tự quản về đảm bảo an toàn PCCC lồng ghép với nhiệm vụ giữ gìn TTATXH và các phong trào cách mạng khác ở địa phương, ở các khu dân cư, cơ sở SXKD, dịch vụ, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Đồng thời, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, MTTQ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ chức công đoàn, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi… luôn đóng vai trò hết sức quan trọng để vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC phù hợp với đặc điểm tình hình tại cơ sở.