Không chủ quan với nguy cơ sạt lở đất ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù lượng mưa không cao như dự báo nhưng những quả đồi, ngọn núi đã ngấm no nước nên khi mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra sạt lở ở Hà Tĩnh sẽ rất phức tạp.

bqbht_br_sat-lo-o-ha-tinh.jpg
Trên núi Rú Dầu ở xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ có nhiều vết nứt, điểm sụt lún lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Những ngày đầu tháng 11, khi nghe tin Hà Tĩnh có mưa lớn kéo dài nhiều ngày với tổng lượng mưa dự báo có thể lên tới 500mm, gia đình chị Phan Thị Phượng (ở thôn Thượng Tiến, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ) cảm thấy lo lắng trước nguy cơ sạt lở khi ngôi nhà có 4 thành viên sinh sống nằm ngay dưới chân núi Rú Dầu – ngọn núi đang có những vết nứt, điểm sụt lớn.

Các vết nứt, điểm sụt lún ở núi Rú Dầu đã xuất hiện từ mùa mưa lũ của nhiều năm trước. Qua từng năm, những vết nứt, điểm sụt lún lại càng lan rộng, nghiêm trọng hơn dẫn tới nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đe dọa ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của những hộ dân sinh sống bên dưới chân núi.

bqbht_br_sat-lo-o-ha-tinh-1.jpg
Mỗi khi có mưa lớn, nước từ trên núi chảy theo các khe nứt đổ xuống dưới nhà dân.

Thời điểm này, có 16 hộ dân xây dựng nhà cửa dưới chân núi Rú Dầu; trong đó, có 7 hộ dân với 21 nhân khẩu sinh sống gần vị trí có các điểm sụt lún, vết nứt, nguy cơ mất an toàn cao. Nguy hiểm là vậy, song, việc di dời, tái định cư cho các hộ dân gặp khó khăn do Nhà nước chưa có chính sách cho việc này. Vậy nên, cứ mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nỗi lo sạt lở đất lại bủa vây những hộ dân nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Nguyễn Anh Đức cho hay: Mỗi khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là có mưa lớn kéo dài, huyện, xã hỗ trợ các hộ dân sinh sống dưới chân núi Rú Dầu sơ tán tới nơi an toàn, chỉ cho mỗi gia đình 1 người ở lại để trông coi nhà cửa, bảo vệ tài sản.

“Địa phương hiện đang theo dõi sát tình hình thực tế mưa gió đợt này để chủ động phương án. Ban đầu, ngành chức năng dự báo lượng mưa có thể lên tới 500mm nhưng nay có thông báo là lượng mưa có giảm nên cũng đỡ lo phần nào. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở núi Rú Dầu vẫn luôn hiện hữu nên huyện yêu cầu xã và các hộ dân tuyệt đối không chủ quan, chủ động sơ tán tới nơi an toàn khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường” - ông Nguyễn Anh Đức thông tin.

bqbht_br_sat-lo-o-ha-tinh-5.jpg
Các hộ dân xây dựng nhà cửa dưới chân núi Nam Giới ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Tại huyện Thạch Hà, nhiệm vụ theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết để chủ động di dời 5 hộ dân với 18 nhân khẩu ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn sinh sống dưới chân núi Nam Giới cũng đang được chính quyền, đơn vị chức năng đặc biệt quan tâm.

Trong mùa mưa lũ năm 2020, núi Nam Giới đã xảy ra sạt lở khiến cả nghìn khối đất đá tràn vào nhà các hộ dân. Vụ sạt lở may mắn không gây thương vong về người. Những năm tiếp đó, cứ mỗi khi có mưa lớn kéo dài, núi Nam Giới đoạn thôn Tân Phong tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng bão số 4 và hoàn lưu sau bão vào cuối tháng 9/2024, huyện Thạch Hà và xã Đỉnh Bàn cũng đã chủ động di dời 5 hộ dân tới nơi an toàn.

“Tình hình mưa gió vẫn diễn biến phức tạp và nguy cơ cao xảy ra sạt lở ở núi Nam Giới. Hiện, huyện đã giao cho xã cần chủ động, nếu mưa lớn kéo dài cần nhanh chóng sơ tán các hộ dân tới nơi an toàn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu thông tin.

sat-lo-o-ha-tinh-7.jpg
Chính quyền xã Hương Lâm chủ động sơ tán các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất tới nơi an toàn.

Ngoài khu vực núi Rú Dầu (thônThượng Tiến, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ), núi Nam Giới (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà), trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có khá nhiều khu vực, chủ yếu là triền núi, chân đồi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất như: xã Cẩm Lạc, xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên); xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang); xã Điền Mỹ, Hương Lâm, Hương Liên (huyện Hương Khê); xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân); xã Sơn Hồng, xã Sơn Kim 1, xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn)…

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá cho hay: Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động đới gió Đông trên cao nên từ đêm 3 đến ngày 7/11, khu vực Hà Tĩnh khả năng sẽ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 120 - 300mm, có nơi trên 350mm.

Theo ông Trần Đức Bá, dù có giảm so với những ngày trước đó (phổ biến 200 - 400mm, có nơi trên 500mm) nhưng lượng mưa 350mm vẫn có nguy cơ cao gây ra một số loại hình thiên tai nguy hiểm, trong đó có sạt lở đất.

bqbht_br_sat-lo-o-ha-tinh-6.jpg
Những hộ dân sinh sống dưới chân đồi, triền núi dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất.

“Sau các đợt mưa vừa qua, thời điểm này, đất đai vùng đồi, núi trên địa bàn tỉnh đã ngấm no nước và bão hòa nên khi tiếp tục có mưa lớn, nguy cao xảy ra sạt lở đất, gây ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng người dân và các công trình, đường giao thông. Vậy nên, các đơn vị, địa phương và người dân cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình thiên tai để rà soát, chủ động sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn” - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá nhìn nhận.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.