Nhiều trường học e dè, chưa tổ chức ăn bán trú
Gần 1 tuần trôi qua, sau những thông tin gây nhiều tranh cãi về suất ăn cho học sinh bán trú ở Trường Tiểu học Thạch Linh, hoạt động bán trú ở đây vẫn đang tạm dừng phục vụ.
“Nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh xin lỗi về sự cố xảy ra, đồng thời tìm tiếng nói chung với các bậc phụ huynh trong việc thực hiện bán trú. Hiện nay, hội phụ huynh đã nhất trí hợp đồng lại với nhà hàng Bà Đào để cung cấp thức ăn sẵn cho học sinh” - cô Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh cho biết.
Việc tổ chức bán trú ở Trường Tiểu học Thạch Linh sẽ được thực hiện trở lại trong tuần tới
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kế hoạch tổ chức bán trú của Trường Tiểu học Thạch Linh sẽ thực hiện từ thứ 2 tuần tới. Việc cung cấp thức ăn sẽ công khai và chịu sự giám sát của các bậc phụ huynh. Có lẽ đây là phương án khả quan nhất đối với trường Tiểu học Thạch Linh lúc này.
Điều đáng nói, sự việc vừa qua đã tác động không nhỏ đến một số trường học khác trên địa bàn. Chẳng hạn như, Trường Tiểu học Trần Phú, cũng không đủ điều kiện tổ chức bếp ăn tại trường cho học sinh bán trú, nhà trường buộc phải đưa ra phương án phối hợp với hội phụ huynh tìm cơ sở hợp đồng cung cấp thức ăn sẵn. Tuy nhiên, năm học mới đã bắt đầu được hơn 20 ngày nhưng công tác bán trú ở đây vẫn chưa được thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Lý, phụ huynh học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: “Mọi năm muộn lắm thì cũng chỉ 1 tuần sau khai giảng là các cháu bắt đầu vào bán trú. Vậy mà năm nay, công tác họp phụ huynh toàn trường vẫn chưa diễn ra để thống nhất phương án. Con đi học ngày hai buổi, trong khi giờ giấc không trùng với giờ làm việc của bố mẹ nên rất bất tiện”.
Kể cả một số trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất thì việc tổ chức phục vụ bán trú cũng trở nên e dè hơn. Không ít trường đang “treo” kế hoạch để... nghe ngóng sau sự cố từ Trường Tiểu học Thạch Linh.
Bữa ăn bán trú có bị kinh doanh hóa?
Chưa bao giờ, bữa cơm bán trú lại được đưa lên bàn cân để đong đếm như thời gian gần đây. Từ thực tế suất cơm 27.000 đồng ở Trường Tiểu học Thạch Linh, dư luận cho rằng mức giá đó là chưa thực sự hợp lý.
Suất ăn bán trú phải đảm bảo đủ dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, phù hợp với giá thị trường
Một thực tế đang diễn ra là hiện nay, tại một số trường, sau khi mời chào cạnh tranh các đơn vị cung cấp thực phẩm, gần như không báo giá nào dưới 25.000 đồng. Thậm chí, một số nhà hàng còn “chào giá” đến 30.000 đồng/suất. Nếu cộng cả quà chiều, mỗi học sinh bán trú sẽ phải bỏ ra từ 31.000- 35.000 đồng/ngày ăn. Trong khi đó, ở những trường có thể tự nấu, mức giá cho một suất ăn của học sinh chỉ ở 20.000 đồng/suất.
Sự chênh lệch quá lớn giữa hai hình thức cung cấp khiến nhiều người đặt câu hỏi: Dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn cho trường học chẳng phải là một “món hời”?
Đặt lên bàn tính, có thể thấy với việc kinh doanh bình thường, nhà hàng phải hạch toán lấy ngày khách nhiều bù cho ngày khách vắng. Còn với những đơn hàng cung cấp cho bếp ăn nhà trường, lượng “khách hàng” đủ lớn (hàng trăm học sinh mỗi trường) và luôn luôn ổn định thì chắc chắn nhà hàng sẽ giảm được giá thành.
Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Hà Tĩnh khẳng định: “Trường học là nơi để dạy học, không phải là nơi để kinh doanh dịch vụ. Hoạt động ăn bán trú được thực hiện theo đúng Công văn 1336/SGDĐT- KHTC, dựa trên sự tự nguyện và thỏa thuận giữa phụ huynh và các nhà hàng. Trong đó, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra sự bất hợp lý, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh”.
Tăng cường quản lý, kiểm soát thực hiện bán trú
Công văn 1336 ngày 6/9/2018 của liên sở GDĐT-KHTC về việc hướng dẫn các khoản thu trong trường học ban hành cách đây 1 năm trước có hướng dẫn về thực hiện bán trú. Nhưng từ mức kinh phí đến hình thức tổ chức đều dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường mà thiếu đi sự giám sát của cấp quản lý.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh, tới đây đơn vị sẽ phối hợp với các phòng chức năng tăng cường công tác quản lý và kiểm soát việc thực hiện bán trú, đồng thời quy định mức giá chung phù hợp cho suất ăn tại các trường trên địa bàn.
Môi trường giáo dục thân thiện và tích cực là mục tiêu các trường học đang hướng đến
Những giải pháp trên là thực sự cần thiết không chỉ ở địa bàn TP Hà Tĩnh mà ở tất cả các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Sự vào cuộc của các cấp quản lý bằng những quy định, hướng dẫn cùng với các giải pháp tăng cường sự kiểm tra, giám sát sẽ giúp các trường học tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra, đồng thời đảm bảo quyền lợi, sự công bằng, tính nhân văn đối với học sinh khi tham gia bán trú ở trường học.
Để tăng cường công tác bán trú, ngày 20/9/2019, UBND thành phố Hà Tĩnh có Công văn số 2236/UBND-GDĐT về thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, tổ chức bán trú trong nhà trường năm học 2019 - 2020. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu: Đối với trường hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Cơ sở chế biến phải bảo đảm vệ sinh, đúng quy trình chế biến thực phẩm. Nhà trường định kỳ cử cán bộ phụ trách bán trú tham quan, kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp suất ăn để đánh giá một cách khách quan cơ sở về đảm bảo vệ sinh, chất lượng các thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến. Suất ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, phù hợp với giá thị trường. |