Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, sau khi Kỳ họp thứ 5 này, với việc thông qua kế hoạch biên chế năm 2018 (các cấp học mầm non và tiểu học giao bằng chỉ tiêu năm 2017), UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ, trên cơ sở thực tế chỉ đạo UBND các huyện điều chỉnh trong địa bàn.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND cấp huyện hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động hợp đồng lao động đối với những chỉ tiêu biên chế viên chức được giao nhưng chưa tuyển dụng.
Cùng đó, Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, triển khai sớm các phương án tiếp tục sắp xếp trường học theo chủ trương của tỉnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang
Dù đồng tình với các phương án chung mà Giám đốc Sở Nội vụ nêu, song, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt - Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh vẫn băn khoăn trước thực trạng việc giao chỉ tiêu biên chế, đặc biệt chỉ tiêu biên chế giáo viên tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, hiện nay, nhiều trường học không thể thực hiện được mục tiêu học sinh tiểu học được học 4 tiết tiếng Anh/tuần theo “Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Hà Tĩnh - giai đoạn 2012 – 2020”.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt
Đại biểu Nguyệt đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ tiêu chuẩn để phân bổ chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh và giải pháp của ngành trong thời gian tới.
Cùng trăn trở về tình trạng thiếu giáo viên, đại biểu Trần Nhật Tân - Tổ đại biểu huyện Thạch Hà cho biết, Thạch Hà hiện thiếu 25 giáo viên tiếng Anh để thực hiện dạy đủ 4 tiết/tuần đối với bậc tiểu học. Tuy nhiên, hiện các quy định còn bất cập nên huyện không thể ký hợp đồng lao động.
Đại biểu Trần Nhật Tân
“Nếu như không có kinh phí để thực hiện thì nên xem xét dừng Đề án Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ” - đại biểu Tân nói.
Mở rộng câu chuyện này, đại biểu Đoàn Đình Anh - Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên cho biết, không chỉ ở môn tiếng Anh mà nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên văn hóa cũng chưa được giải quyết. Thậm chí có địa phương như thị xã Kỳ Anh thiếu tới 30% giáo viên văn hóa.
Đại biểu Đoàn Đình Anh
“Không thể vì tinh giản biên chế mà làm ảnh hưởng tới dịch vụ công thiết yếu như giáo dục. Nếu nói rằng nguyên nhân là vì sắp xếp bộ máy là chưa thỏa đáng. Ngành Nội vụ cần đưa ra nguyên nhân thực chất và nêu rõ trách nhiệm xử lý như thế nào?” - đại biểu Anh chất vấn.
Tiếp nhận các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ dù rất cầu thị, nhận trách nhiệm trước nhân dân về những bất cập này, nhưng lại không đưa ra được những câu trả lời và giải pháp thỏa đáng với các đại biểu chất vấn.
Ông Nguyễn Phi Quang cho biết: Trong lúc thông tư của Bộ GD&ĐT đưa ra quan điểm tiếng Anh là môn tự chọn, chưa quy định số tiết cụ thể thì Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ của tỉnh lại thực hiện việc dạy 2 tiết đối với khối 1 và 2; 4 tiết đối với khối 3 và 4. Cùng đó, các hướng dẫn cập nhật của các Bộ về biên chế ngành giáo dục chưa kịp thời và tỉnh ta đang tiến tới việc sắp xếp lại trường lớp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 nên việc soát xét kỹ để cân đối số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để xảy ra dôi dư đòi hỏi cần có thời gian.
Cùng tham gia giải trình về thực trạng thừa, thiếu giáo viên với Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng cho biết thêm, về Đề án Nâng cao chất lượng day và học ngoại ngữ, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời Quốc hội là cần xác định lại các mục tiêu của đề án.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng
Dù chưa có chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT nhưng trên thực tế Sở GD&ĐT đã có sự điều chỉnh: Thống nhất dạy 2 tiết tiếng Anh/tuần đối với bậc tiểu học. Bởi thực tế, với tình trạng có trường dạy 2 tiết, có trường dạy 4 tiết như hiện nay, khi bước vào cấp THCS đối với những trường ghép liên xã xảy ra tình trạng bất cập về trình độ tiếng Anh của học sinh từ đầu vào.
“Về lâu dài, ngành GD&ĐT đang chờ chương trình đổi mới sách giáo khoa vào năm 2018 để xác định số tiết học tiếng Anh đối với các bậc học, đồng thời gắn với việc sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 để tham mưu định mức giáo viên một cách hợp lý” - ông Trần Trung Dũng cho biết.
Về giáo viên Văn hóa, Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận có tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Dũng, do hiện nay giáo viên sinh sống ở huyện nào cơ bản đã giảng dạy ổn định ở địa bàn đó; cùng với việc đời sống giáo viên hiện còn khó khăn nên không nên sắp xếp chuyển từ huyện nọ sang huyện kia mà để cho các địa phương tự cân đối trên địa bàn gắn với việc từng bước tinh giản biên chế.
Để làm rõ những vấn đề đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Nội vụ: Khi thực hiện điều chỉnh số tiết học tiếng Anh đối với bậc tiểu học từ 4 tiết giảm xuống còn 2 tiết/tuần thì số giáo viên sẽ dôi dư được giải quyết như thế nào?. Nếu Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở GD&ĐT cùng thống nhất không điều chuyển giáo viên giữa các địa bàn thì ai trả tiền lương cho giáo viên? Trước sự lúng túng của các ngành chuyên môn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn nên cần thực hiện bài bản, đúng quy định của Luật Công chức viên chức. Trước hết, UBND sẽ xây dựng đề án cụ thể và Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe, cho ý kiến để triển khai một cách căn cơ, hợp lý trong thời gian tới. |