Anh V.S (Đức Thọ) vẫn chưa hết bức xúc khi cách đây gần một tháng, hình ảnh cá nhân của anh bị “bêu” trên mạng xã hội Facebook để đòi nợ.
Hình ảnh của anh V.S cùng một số người bị tung lên mạng xã hội Facebook để đòi nợ.
Anh S. cho biết: Vào cuối tháng 4, khi đang làm việc thì tôi nhận được tin nhắn của bạn nói về việc hình ảnh cá nhân của tôi bị tung lên mạng để đòi nợ.
Khi vào Facebook để kiểm tra, tôi khá “sốc” vì ảnh chân dung của mình cùng 1 số người khác bị ghép lại với các thông tin đòi nợ như: trả nợ gấp, chuyên dùng thủ đoạn đi vay để lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hành động đáng lên án của xã hội mong mọi người cảnh giác…
Điều đáng nói, những thông tin trên bức ảnh chỉ có ảnh chân dung và số điện thoại (dùng cách đây hơn 5 năm) là chính xác; còn lại, anh S. không liên quan đến những người trên ảnh và cũng không có khoản nợ nào như vậy cả.
Ngay sau đó, anh S. đã gọi điện đến số điện thoại ghi trên bức ảnh nhưng không được phản hồi.
Chị T.T.H rất bức xúc khi hình ảnh cá nhân của mình bị lan truyền trên mạng xã hội với nội dung không đúng sự thật.
Cũng gặp sự cố tương tự, chị T.T.H (TP Hà Tĩnh) cho biết: Mới đây, tôi bị một trang Facebook lạ nhắn tin về việc có một người thân của tôi đang vay nợ nhưng thanh toán không đúng hạn và đề nghị tôi thanh toán hoặc nhắc nhở người nhà thanh toán nếu không tôi sẽ là… đồng phạm. Qua kiểm tra Facebook này, tôi thấy không đáng tin nên đã không trả lời.
Tuy nhiên, sau đó vài ngày, tôi liên tục nhận được tin nhắn của bạn bè, người thân thông báo về việc hình ảnh cá nhân của tôi đang tràn lan trên các hội, nhóm mạng xã hội, thậm chí chúng còn gửi tin nhắn cho những người quen biết của tôi để bôi nhọ danh dự.
Dù đã nhanh chóng đính chính thông tin nhưng những “tai bay vạ gió” từ việc không liên quan đến mình cũng khiến anh S., chị H. không tránh khỏi những bức xúc, lo lắng, hoang mang.
Được biết, thời gian gần đây, không ít người dùng Facebook trên địa bàn Hà Tĩnh gặp sự cố tương tự. Theo suy đoán của các nạn nhân, việc người thân của họ có sử dụng App (ứng dụng) vay tiền online mà không thanh toán đúng hạn có thể là nguyên nhân dẫn đến sự việc này.
Theo đó, khi tải những App vay tiền online về điện thoại, người dùng sẽ bị các App yêu cầu cho phép truy cập vào danh bạ, tin nhắn… Đây là một bước rất quan trọng, bởi khi có được danh bạ điện thoại, tin nhắn, các App này sẽ thu thập thông tin về khách hàng lẫn người thân, bạn bè của họ để tiện cho việc đòi nợ sau này (nếu có).
Luật sư Phan Văn Chiều trao đổi các vấn đề liên quan đến pháp luật cho PV Báo Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu)
Liên quan đến hành vi đăng ảnh lên mạng xã hội để đòi nợ, Luật sư Phan Văn Chiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (TP Hà Tĩnh) thông tin: Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định rất rõ, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Trừ một số trường hợp đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Cho nên, việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được sự đồng ý của người đó rõ ràng là trái pháp luật.
Hơn nữa, trong trường hợp này, một số người bỗng dưng bị ghép ảnh cá nhân nhằm mục đích đòi nợ trên mạng xã hội mà thực chất họ không vay mượn. Như vậy, bên cạnh việc sử dụng hình ảnh trái pháp luật thì những đối tượng ghép ảnh này còn có dấu hiệu của hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm đến chính uy tín, danh dự nhân phẩm của người bị đưa ảnh lên.
Cũng theo luật sư Chiều, những nạn nhân là người bị ghép ảnh để đòi nợ vô cớ như trên thì điều đầu tiên là gửi đơn hoặc đến trình báo trực tiếp tại cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông - nơi cá nhân, tổ chức đó cư trú để được giải quyết, ngăn chặn và bảo vệ quyền lợi cho mình.
Nếu trường hợp nhận thấy có đủ căn cứ cho rằng hành vi ghép ảnh cá nhân để đòi nợ gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì nạn nhân có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết.
Người đăng thông tin sai sự thật lên Facebook có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, điểm a, khoản 1, điều 101, Nghị định 15/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Về trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân có dấu hiệu của tội vu khống. Khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm theo điểm a khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). |