Không chỉ hội viên hội phụ nữ, đông đảo nam giới ở Hà Tĩnh cũng hào hứng tham gia chương trình truyền thông
Những câu chuyện…
Tháng 4/2013, nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ môi giới xuất khẩu lao động, chị N.T.H, ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) cùng 5 chị em khác di cư trái phép sang Úc. Từ Việt Nam, chị H. đã cùng 71 người khác lên thuyền đi Indonesia, rồi sau đó vượt biển sang Úc. Lênh đênh hơn một tuần trên biển chị và những người cùng đi tưởng như không thể trở về, bởi không có gì ăn ngoài một bát cháo trắng, nước uống cũng không và chiếc thuyền hết dầu chực chờ nước tràn vào. May mắn khi lực lượng chức năng Úc phát hiện, cứu và đưa vào trại tị nạn. 7 tháng sau, chị H. và những người này bị trục xuất về nước.
Hay như trường hợp anh P.V.H, vốn là thương lái ở xã Cổ Đạm, vì cả tin theo lời “đường mật” của những kẻ môi giới nên đã bỏ 20 triệu đồng để được làm thủ tục lên đường sang Úc. Thế nhưng, khi anh H. đang chờ trên thuyền để vượt biên từ TP Hồ Chí Minh thì bị lực lượng hải quan phát hiện, buộc phải quay trở về.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều những trường hợp tay trắng trở về sau chuyến “xuất ngoại” sang Úc làm ăn. Còn hàng trăm trường hợp khác vẫn đang bị tạm giữ tại trại di cư nước Úc hoặc chịu đựng cuộc sống chui lủi, khổ sở.
Những câu chuyện này đã được chia sẻ tới nhiều người dân Hà Tĩnh thông qua chương trình truyền thông do Hội LHPN tỉnh và Tổ chức IOM đã tổ chức trong thời gian qua.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Bắt đầu phối hợp từ năm 2014, đến nay, Hội LHPN tỉnh và Tổ chức IOM đã tổ chức 8 buổi truyền thông cho người dân một số xã thuộc các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà và TX Hồng Lĩnh - những địa phương có số lượng người di cư trái phép khá lớn trong toàn tỉnh.
Tại các buổi đối thoại, những thắc mắc của người dân Hà Tĩnh được giải đáp cặn kẽ, rõ ràng.
Chương trình diễn ra với các tiết mục sân khấu hóa, bốc thăm trả lời câu hỏi trắc nghiệm thu hút đông đảo người dân tham gia. Cũng tại đây, người dân được theo dõi các phóng sự ngắn về những nhân vật “người thật, việc thật” đã từng di cư trái phép để có cách nhìn nhận đa chiều và khách quan hơn.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh và Tổ chức IOM còn tổ chức đối thoại chính sách về di cư an toàn và phòng ngừa di cư trái phép cho người dân xã Thiên Lộc và thị trấn Nghèn (Can Lộc). Chương trình thu hút hơn 600 người dân tham gia với nhiều chia sẻ, thắc mắc được giải đáp cặn kẽ.
Ngoài những tiết mục sân khấu hóa, đối thoại, người dân Hà Tĩnh còn được cung cấp tài liệu liên quan
Đặc biệt, ngoài các hội viên hội phụ nữ còn có rất đông nam giới ở nhiều lứa tuổi tham gia. Anh Trần Khánh Thái (xã Thiên Lộc) chia sẻ: “Là người nông dân, kiến thức còn hạn chế nên chúng tôi khá mơ hồ về chính sách này và nhiều khi cũng ngại khi tìm kiếm thông tin. Nay được các tổ chức về tận nơi giải đáp thắc mắc, hướng dẫn chi tiết, tôi thấy rất bổ ích. Hy vọng mỗi năm, ít nhất địa phương chúng tôi được tổ chức một cuộc đối thoại về chính sách như thế này nữa”.
Bà Đỗ Thị Thanh Mai - điều phối viên Tổ chức IOM tại Việt Nam chia sẻ: “Từ những câu chuyện, hình ảnh cụ thể và những tài liệu tuyên truyền mà chúng tôi đã nỗ lực gửi đến, hy vọng rằng, bà con sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc di cư. Qua đó, cảnh giác hơn với những thủ đoạn lừa gạt và có những quyết định đúng đắn, không mạo hiểm mạng sống, tiền bạc của mình để di cư trái phép. Đồng thời, tích cực phát hiện, tố giác, cũng như xử lý các vụ việc, đưa người di cư trái phép tại địa phương”.
Từ năm 2010 đến 2017, Hà Tĩnh đã có 50.270 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2017, có 8.567 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 4 cả nước). Ngoài ra, còn có số lao động tự do đi làm việc ở Lào, Thái Lan theo đường biên giới là 12.480 người. |