Đại biểu Lê Anh Tuấn phát biểu ý kiến
Qua thảo luận tại hội trường, nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công trong việc nhận diện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).
Đại biểu Lê Anh Tuấn cũng nhất trí cao với nhiều nội dung được nêu trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế; đặc biệt, sau khi có Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân thì việc cụ thể hóa để đưa vào trong dự thảo luật là thực sự cần thiết và tạo động lực để tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dự thảo này chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp hỗ trợ này. Mặc dù, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cản trở hoạt động kinh doanh của hộ, trong đó, khó khăn nhất vẫn là vốn tín dụng...
Qua nghiên cứu, đại biểu Lê Anh Tuấn đóng góp ý kiến về 4 nhóm vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo có quy định một trong hai tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Theo đại biểu, điều này chưa thực sự phù hợp, bởi vì thị trường liên quan và thị phần của các doanh nghiệp tham gia vào các thị trường là khác nhau. Rất nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, doanh thu trên 300 tỷ đồng vẫn có thể được coi là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hơn nữa, với sự thay đổi và diễn biến khó lường của nền kinh tế hiện nay, việc quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong luật sẽ khiến Chính phủ gặp khó khăn, khi cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đang có quy mô nhỏ và vừa so với quốc tế. Đặc biệt là sự hỗ trợ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ hai, đề nghị rà soát lại một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại dự thảo để bảo đảm chặt chẽ, tránh mâu thuẫn với cam kết quốc tế của Việt Nam khi áp dụng pháp luật. Quy định về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, hỗ trợ về thuế, về giá thuê mặt bằng từ Điều 8 đến Điều 10 của dự thảo; mặc dù không quy định trực tiếp điều kiện để được hỗ trợ căn cứ trên kết quả hoạt động xuất khẩu, ưu tiên hàng nội địa hơn hàng ngoại, nhưng nếu các doanh nghiệp được hỗ trợ lại sản xuất hàng xuất khẩu hay khi xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp lại dựa trên tiêu chí về sản lượng xuất khẩu, về tỷ lệ nội địa hóa, về ưu tiên sử dụng hàng trong nước thì sẽ vi phạm các quy định tại Điều 3 về trợ cấp bị cấm trong hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng.
Vì vậy, đề nghị cần nội luật hóa những trường hợp bị cấm theo hiệp định như đã nêu trên và các điều khoản của luật như những trường hợp ngoại lệ không đáp ứng các điều kiện hỗ trợ; có như vậy mới bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch, thuận lợi cho việc áp dụng và cũng thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.
Thứ ba, về nội dung hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Điều 8 đến Điều 15 và hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị từ Điều 16 đến Điều 19, theo đại biểu cũng chưa thực sự hợp lý, bởi vì dự thảo chưa chỉ rõ sự khác biệt giữa hỗ trợ chung với các hỗ trợ có cùng nội dung tài chính, đào tạo, huấn luyện, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khi hoạt động.
Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh có một số quy định chưa thực sự chặt chẽ, cụ thể tại Điểm d, Khoản 2, Điều 16, quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa rõ là miễn thuế theo điều nào của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 quy định doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Đây là điều đương nhiên, không nên coi đó là một nội dung hỗ trợ như dự thảo.
Thứ tư, tại các Khoản 2, 3, Điều 8 của dự thảo quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là loại hình quỹ hoàn toàn mới ở Việt Nam, đề nghị đánh giá chính xác toàn diện tính hiệu quả của các quỹ đã được thành lập, từ đó có cơ sở thực tiễn xem xét việc có nên hay không nên thành lập thêm loại hình quỹ mới. Trường hợp thành lập mới thì đề nghị làm rõ các vấn đề pháp lý về chu trình hoàn vốn, trình tự thủ tục pháp lý về thoái vốn của quỹ khi doanh nghiệp được đầu tư thành công, cơ chế xử lý khi doanh nghiệp được đầu tư từ quỹ mà bị phá sản.
Ngoài ra, tuy tán thành với một số ý kiến, đại biểu cho rằng còn không ít những quy định chung chung, có điều khoản rất quan trọng liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa xác định được mức thuế suất được áp dụng hỗ trợ là bao nhiêu mà phải chờ sau khi sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, xuất hiện tình trạng "luật phải chờ luật" mới có thể áp dụng được. Có những quy định về hỗ trợ mặt bằng sản xuất còn thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi.
Về quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chí để được hỗ trợ chưa được quy định thực sự rõ ràng trong dự thảo. Đề nghị Ban soan thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi và làm hiệu lực trực tiếp của các chính sách luật khi được ban hành.