Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sáng 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật để thảo luận về các dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 84 điều; cũng như nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trình bày báo cáo tóm tắt Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải trình.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn giao thông là vấn đề lớn, rất quan trọng vì “tính mạng con người là trên hết.” Việc xây dựng Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan chủ quản và sự phối hợp của các bộ trong xây dựng luật, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước”.
Về quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Về nội dung quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, tập trung hoàn thiện hơn, bảo đảm tính bao quát, toàn diện, thống nhất, không chồng chéo, trùng lắp với lĩnh vực giao thông đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ . Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phân quyền chính quyền địa phương các cấp trong quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Để phù hợp với tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, cần phải có lộ trình, bước đi trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động cụ thể, nếu quy định cụ thể ngay trong luật sẽ gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành. Do vậy, nhất trí với các ý kiến đề xuất, Luật này chỉ mang tính nguyên tắc.
Cần tiếp tục làm rõ, xử lý hợp lý mối quan hệ giữa Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ; tiếp tục làm rõ các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong các luật khác như Luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 8 chương, 67 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 11 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa 47 điều và 13 điều quy định mới.
Cho ý kiến về dự thảo này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhìn chung Dự thảo Luật bám sát mục đích, phạm vi điều chỉnh và đã lấy ý kiến rộng rãi. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các lực lượng công an, quốc phòng, nhân dân các địa phương lập nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống ma túy trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy. Thủ tướng nêu rõ tinh thần làm sao tạo khung pháp lý không quá cứng để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy.
Về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thủ tướng cho rằng lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã được quy định riêng rẽ tại nhiều luật, nghị định. Do đó, Luật này là cần thiết nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng tự quản tại cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ cùng công an chính quy bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền.
Thủ tướng nhấn mạnh, tổ chức và hoạt động của lực lượng này cần bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, với yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự từng vùng, miền, khu vực, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân.
Vấn đề đặt ra là cần quy định đầy đủ về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, vai trò điều phối thống nhất của công an xã, phường, thị trấn chính quy, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp nhưng không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ để huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân./.
Theo QV (TTXVN/Vietnam+)