Túi khi được gọi dưới cái tên “thiết bị an toàn thứ cấp” nhằm nâng cao hiệu quả của dây đai an toàn. Vì vậy xuất hiện suy luận rằng “túi khi sẽ không bung nếu không thắt dây an toàn”. Không chỉ tại Việt Nam, tài xế ở các nước trên thế giới cũng đặt ra câu hỏi này.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Minh Đồng, kỹ sư ôtô từng làm việc tại tập đoàn Volkswagen (Đức), nguyên tắc chung là túi khí sẽ bung ra khi va chạm ở mức cần thiết và đúng hướng, bất luận hành khách có thắt dây an toàn hay không.
“Thông thường, các thí nghiệm va chạm thực hiện trong phòng thí nghiệm với cả hai trường hợp, người ngồi trên xe không thắt dây an toàn và người ngồi trên xe có thắt dây an toàn. Những thí nghiệm này thực hiện nghiêm ngặt, bởi một cơ quan độc lập, như ở Mỹ là cơ quan an toàn giao thông quốc gia để đánh giá độ an toàn của chiếc xe”, ông Đồng cho biết thêm.
Cũng theo vị kỹ sư này, nghiên cứu của các hãng xe và thống kê từ nhiều năm trên các tai nạn đã xảy ra đối với các xe có trang bị hệ thống túi khí cho thấy các hành khách có thắt dây an toàn, khi xảy ra va chạm có sự bảo vệ của túi khí thường thương tổn ở mức thấp, xác suất tử vong thấp nhất. Ngược lại các trường hợp không thắt dây an toàn mà chỉ dựa vào sự bảo vệ của túi khí, khi xảy ra tai nạn thường thương tổn nghiêm trọng, tử vong vẫn xảy ra.
Ông cũng đưa ra khuyến cáo hiện nay tại Việt Nam, có nhiều gia đình để trẻ em ngồi ở hàng ghế trước, hoặc đứng ở vị trí ghế phụ, đây là đây là hành vi rất nguy hiểm, và thường bị cấm ở nước ngoài. “Nếu khi xảy ra va chạm, trong trường hợp túi khí phía trước bung, nếu trẻ đứng sát vị trí đặt túi khí sẽ bị sát thương bởi nếu bị kích hoạt, túi khí bung nhanh với tốc độ tương đương khoảng 200 km/h”.
Đại diện của bộ phận kỹ thuật nhà phân phối BMW tại Việt Nam cũng cho biết túi khí trên xe BMW sẽ kích hoạt nhanh hơn và bung sớm hơn trong trường hợp không thắt dây an toàn để giảm mức độ nghiêm trọng thấp nhất cho người ngồi trong xe khi đủ điều kiện kích hoạt.
Trong hướng dẫn của các nhà sản xuất cũng thường không đề cập tới việc “không thắt dây an toàn thì túi khí không bung”. Các hãng chỉ khuyến cáo “luôn thắt dây an toàn để tăng tính hiệu quả của túi khí”.
Toyota còn khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng chiếc Verso rằng: “túi khí sẽ bung ngay cả khi không có người ngồi ở ghế phụ”. Một số hãng xe Đức còn đặt chế độ tắt chủ động hoặt tắt tự động (dựa trên cảm biến người ngồi) cho túi khí ghế phụ nhằm giảm chi phí nếu túi khí bung mà không có hành khách.
Theo các chuyên gia Mỹ, hai hệ thống túi khí và dây an toàn hỗ trợ nhau nhưng hoạt động theo nguyên tắc độc lập, chỉ dựa theo các thông số của riêng chúng để bảo vệ hành khách. Tại Mỹ, các hãng được yêu cầu thiết kế túi khí thích hợp với tình huống tài xế không thắt dây an toàn.
Trên thực tế, nhiều hành khách bị thương nặng do không thắt dây an toàn mà túi khí bung ở tốc độ cao. Do va chạm với chính túi khí. Vì vậy, ở một số nước, luật quy định mọi vị trí trên xe phải thắt dây an toàn. Đó là bước bảo vệ đầu tiên dành cho chính hành khách nhằm tăng khả năng bảo vệ.
Nếu hãng nào đó thiết kế theo nguyên tắc “túi khí chỉ bung khi thắt dây an toàn” thì phải nói rõ, khuyến cáo và đặt tình trạng cảnh báo cho người dùng. Trên một vài dòng xe, đèn túi khí sẽ báo “Airbag OFF” nếu không thắt dây an toàn và bật sang ON nếu thắt.
Vì vậy, tài xế nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng dòng xe và tuân thủ quy định luôn thắt dây an toàn khi cầm lái.