Không truy cứu lao động bất hợp pháp khi khám Covid-19 ở Hàn Quốc

Người lao động bất hợp pháp đi khám ở Hàn Quốc vì có dấu hiệu Covid-19 thì không bị truy cứu trách nhiệm về tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Việt Nam hiện có hơn 4.000 lao động đang sinh sống tại hai vùng dịch Covid-19 tại Hàn Quốc là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Trước tình hình số ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc tăng đột biến trong những ngày gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình lao động tại Hàn Quốc để có biện pháp giúp người lao động phòng tránh dịch bệnh.

Không truy cứu lao động bất hợp pháp khi khám Covid-19 ở Hàn Quốc

Ông Nguyễn Gia Liêm

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước về những thông tin mới nhất liên quan đến tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

PV : Xin ông cho biết những thông tin mới nhất về tình hình của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Đến nay, theo thông tin của Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, chưa có người Việt Nam nào nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc.

Theo Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc, đến 14h chiều 23/2, tại Hàn Quốc đã có thêm 46 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 602 trường hợp tại Hàn Quốc và phía Hàn Quốc đã tăng mức cảnh báo lên cao nhất. Trong đó, số người bị nhiễm tập trung tại hai địa phương là: Thành phố Daegu: 303 người và tỉnh: Gyeongbuk là 163 người.

Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng cho biết, hiện lao động Việt Nam đang làm việc tại hai địa phương này vẫn đang làm việc bình thường và tuân thủ theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng và cơ quan y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Không truy cứu lao động bất hợp pháp khi khám Covid-19 ở Hàn Quốc

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phía trước một nhà thờ của giáo phái Shincheonji ở Daegu, Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.

PV:Hiện nay lao động của Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với số lượng bao nhiêu và tập trung ở những tỉnh, thành phố nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Theo thống kê hiện nay, số lao động của Việt Nam tại Hàn Quốc có khoảng 47.000 lao động đang làm việc. Trong đó, 37.000 lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm EPS; 8.000 thuyền viên tàu cá ven bờ và khoảng 2.000 lao động đi theo chương trình visa E7, lao động kỹ thuật cao.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp thời gian qua, trong đó hiện nay số lao động của chúng ta làm chủ yếu ở 2 địa phương là Gyeonggi là hơn 11.000 người và Gyeongnam khoảng 6.250 người. Riêng hai địa phương có tình hình dịch bệnh đang căng thẳng là Daegu và Gyeongbuk, thì tại thành phố Daegu chúng ta có khoảng 1.000 lao động, còn tại Gyeongbuk có 3.007 lao động đang làm việc tại đây.

PV: Đối với 2 địa phương - nơi đang bùng phát dịch bệnh tại Hàn Quốc, hiện cuộc sống người lao động ở đây đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Qua nắm tình hình của Ban quản lý lao động cho biết, hiện lao động của Việt Nam vẫn đang đi làm việc bình thường. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, y tế của địa phương cũng khuyến cáo trong trường hợp các nhà máy có người bị nhiễm thì tạm thời đóng cửa, khử trùng cũng như xử lý các vấn đề liên quan. Còn những ai tiếp xúc với người bệnh thì có thể cũng phải bị cách ly để đảm bảo sự an toàn, ngăn ngừa sự lây lan ra cộng đồng.

PV:Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh tại Hàn Quốc hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có chỉ đạo gì nhằm giúp người lao động phòng tránh dịch bệnh tại Hàn Quốc, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Ngay từ khi có dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Cục đã chỉ đạo và yêu cầu các Ban quản lý lao động Việt Nam, đặc biệt là tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)... nắm tình hình lao động tại địa bàn cũng như cập nhật tình hình thông tin người lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ cũng như của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Cục cũng đã có Công văn gửi các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các nội dung như: Tạm hoãn đưa lao động đến làm việc tại các nước có trường hợp nhiễm bệnh Covid-19.

Trong trường hợp cần phải xuất cảnh đến những thị trường này, doanh nghiệp phải quán triệt người cho lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn người lao động cách phòng ngừa, đồng thời thực hiện các yêu cầu của cơ quan y tế của Việt Nam, của nước tiếp nhận trong công tác phòng chống Covid 19.

Đối với Hàn Quốc trong tình hình hiện nay, Cục đã chỉ đạo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tăng cường công tác nắm thông tin, cập nhật thông tin báo cáo về Cục và đề xuất các vấn đề phát sinh. Đồng thời, có biện pháp thông tin, cung cấp thông tin cho người lao động thông qua Văn phòng lao động EPS hoặc đại diện doanh nghiệp cũng như tư vấn viên tại các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài, qua Hội người Việt Nam tại các địa phương ở Hàn Quốc.

Qua đó, thông tin cho người lao động về các hướng dẫn của cơ quan chức năng của địa phương, cũng như không tập trung đông người, đặc biệt người lao động ở các vùng dịch thì không nên ra khỏi nhà, ra khỏi khu vực làm việc nếu không thực sự cần thiết.

PV:Có một thực tế là hiện nay, cùng với những lao động hợp pháp thì Việt Nam còn có cả những lao động bỏ trốn, hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vậy đối với những lao động bất hợp pháp này, chúng ta có những giải pháp gì để bảo hộ công dân trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc hiện nay?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Liên quan đến dịch bệnh này thì không phải chỉ phía chúng ta mà ngay cả phía cơ quan chức năng của Hàn Quốc cũng đã tính đến câu chuyện này.

Cuối tháng 1 vừa qua, cơ quan chức năng của Hàn Quốc cũng đã ra thông báo, gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, thông tin đến những trường hợp người Việt Nam cư trú bấp hợp pháp tại Hàn Quốc. Mặc dù cư trú bất hợp pháp, nhưng nếu trong trường hợp nghi bị nhiễm Covid-19 thì người lao động có thể đến các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra.

Khi đến nơi này, người lao động bất hợp pháp cũng không phải chịu truy cứu trách nhiệm cũng như truy cứu về vấn đề bất hợp pháp. Bởi vấn đề được quan tâm hàng đầu là làm sao ngăn ngừa được dịch bệnh này lây lan trong cộng đồng.

PV:Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.