Đó là chia sẻ của GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hoá dân tộc Việt Nam, người từng tổ chức nhiều hội thảo về văn hoá giao thông tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước, người trăn trở với dự án Đưa văn hoá giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật...
GS Hoàng Chương mở đầu câu chuyện:
- Ở Đức có lễ hội bia quốc tế được tổ chức hàng năm vào mùa Thu, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây là một trong những lễ hội quần chúng lớn nhất thế giới.
Tôi đã 2 lần được đến Đức tham dự lễ hội này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng đến tham dự, nhưng điều quan trọng, trong lễ hội người ta chỉ uống chút ít và trở về nhà với tâm trạng thoải mái và luôn thực hiện đúng quy định không uống rượu bia khi lái xe. Còn ở Việt Nam quy định này chỉ là hình thức...
GS Hoàng Chương
Cấm không triệt để!
Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất và tỉ lệ người dân uống rượu, bia ngày càng trẻ hóa.
Theo GS Hoàng Chương, rượu bia là thức uống phục vụ con người, nhưng lạm dụng rượu bia là vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khi tham gia giao thông, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, người thân và xã hội.
“Không thể nào vừa uống rượu bia xong lại lái xe. Uống rượu bia vào mất cả sự bình tĩnh, đầu óc bị chi phối, không còn tỉnh táo như người bình thường, sao lái xe được? Các nước phương Tây người ta cấm lâu rồi. Nước mình cũng cấm, cũng phạt, nhưng làm không triệt để!” - GS Hoàng Chương bày tỏ.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, tại điểm b khoản 5 điều 6 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 01 tháng, bị tạm giữ phương tiện 07 ngày.
Đối với người điều khiển ô tô, thì bị cấm tiệt rượu bia. Chỉ cần có nồng độ cồn trong máu đã bị phạt từ 2-3 triệu đồng. Nếu nồng độ cồn vượt quá các ngưỡng theo quy định sẽ bị phạt nặng hơn nhiều.
Tuy nhiên, quy định này dường như vẫn chưa đủ sức răn đe bởi cảnh sát giao thông không thể có mặt ở mọi ngóc ngách đường phố, mọi quán bia rượu “mọc như nấm” khắp các thành phố, các quán nhậu đường dài dọc các đường quốc lộ... để kiểm tra lái xe.
Hơn nữa, các quán rượu bia vẫn mở ra phục vụ lái xe và họ vẫn vào uống mà chẳng bị ai phạt cả. Người bán rượu vẫn bán cho lái xe khi ăn nhậu mà cũng không bị phạt gì.
“Đã cấm là phải cấm triệt để, từ người bán đến người lái xe. Đồng thời phải phạt nghiêm khắc. Cấm, phạt không triệt để chỉ là nối giáo cho giặc, khiến tai nạn giao thông càng gia tăng hơn” - GS Hoàng Chương nói.
Pháp luật phải đồng bộ
“Cách đây mấy hôm, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang có tặng tôi một cuốn sách mang tên: Quy tắc ứng xử của lực lượng cảnh sát. Cuốn sách buộc những người cảnh sát phải thực hiện đúng quy tắc ứng xử đặt ra, bởi lâu nay một số đồng chí cảnh sát giao thông còn thực hiện chưa nghiêm, không kiên quyết trong xử phạt...” – GS Hoàng Chương cho biết.
“Tôi từng đến Viêng Chăn, cả thủ đô không thấy một bóng cảnh sát, không thấy tắc đường, dù Lào là đất nước chưa phát triển. Cô lái xe chở tôi có lần đi lạc vào đường cấm. Đi khoảng 10m, cô biết mình đi sai và vòng lại. Ngay lập tức, cô tìm đến địa điểm để nộp phạt như một hình thức tự răn đe mình. Còn ở ta, thì vẫn uống rượu, vẫn gọi điện thoại khi lái xe, vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ.... cho dù đã có quy định cấm”.
“Do vậy, muốn hạn chế tai nạn giao thông, Nhà nước phải có các biện pháp cứng rắn, pháp luật phải được thực hiện sao cho đồng bộ... nếu không sẽ trở thành “quốc nạn”, là mối hiểm họa đối với toàn cộng đồng xã hội...” - GS Hoàng Chương nhấn mạnh.
Mới đây, tại Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường (Nam Định) đã diễn ra lễ cầu siêu lần thứ 4 cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Điều đó cho thấy, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đang quyết tâm vào cuộc. Tuy nhiên, cần phải truyên truyền hơn nữa về văn hóa giao thông, cũng như chấn chỉnh thói quen uống rượu bia, lạm dụng rượu của nhiều người, nhất là người trẻ...
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hoá dân tộc Việt Nam được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao triển khai các dự án về Văn hóa giao thông và đang tiếp tục thực hiện dài lâu nhằm huy động sự tham gia hơn nữa của các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà báo, văn nghệ sĩ vào cuộc cùng xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho cộng đồng bằng các chương trình hấp dẫn như: biểu diễn hài kịch, biểu diễn múa rối nước cùng hát Xẩm, ca nhạc truyền hình, nhiếp ảnh, vẽ tranh biếm họa, hội thảo khoa học… Các hoạt động đó góp phần làm cho văn hóa giao thông thâm nhập sâu vào đời sống của nhân dân, tạo nên ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông.
4,6% người trẻ nghiện rượu bia mức độ nặng: Mới đây, tại Hội thảo về tình trạng sử dụng rượu bia trong thanh niên do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, có nhiều thông tin đáng lo ngại về thực trạng sử dụng rượu bia trong các đối tượng này trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát trên 670 nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi do Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mới đây cho thấy, có đến 21,3% người đang có xu hướng lạm dụng rượu bia, có nghĩa là bắt đầu có sự lệ thuộc trong sử dụng rượu bia và có khả năng dẫn đến nguy cơ nghiện rượu bia. Về mức độ sử dụng, có 20% người trẻ tuổi bị nghiện rượu bia ở mức độ nhẹ, 16% nghiện ở mức độ vừa phải. Đáng chú ý, có 4,6% người được khảo sát đã rơi vào tình trạng nghiện rượu bia ở mức độ nặng. Ở mức độ này, con người không thể ngưng lại việc sử dụng rượu bia, kèm theo đó là những hành vi tiêu cực như cáu gắt khi không có bia rượu, sẵn sàng dùng bạo lực khi uống bia rượu… Về thời gian sử dụng rượu bia, trong số những người được khảo sát, có đến 60% người đã sử dụng rượu bia trên 48 tháng và 25,5% người uống rượu bia ở mức độ trên 3 lần một tuần. |