Giống như bộ phim hoạt hình cùng tên, Madagascar là vùng đất hoang sơ với thảm thực vật, động vật độc đáo. Đảo quốc châu Phi này là quê hương của nhiều danh lam thắng cảnh ấn tượng trên thế giới.
Trong đó, không thể không nhắc đến rừng đá nhọn Tsingy, hay khu bảo tồn tự nhiên Tsingy de Bemaraha. Khu bảo tồn nằm sát bờ biển phía Tây của Madagascar, rộng khoảng 666 km2.
Trong tiếng Malagasy, “tsingy” có nghĩa là “nơi không thể đi bằng chân trần”. Nó phù hợp để miêu tả địa hình độc đáo của khu vực này.
Những tháp đá sắc nhọn như lưỡi dao chọc lên trời
Rừng đá Tsingy gồm nhiều tháp đá vôi sắc nhọn, trông như những lưỡi dao dựng đứng lên trời. Có những tháp đá cao tới 70 m.
Khoảng 200 triệu năm trước, khu rừng là những khối đá vôi chìm dưới biển. Chúng bị đẩy lên mặt đất bởi quá trình biến động địa chất. Theo năm tháng, những khối đá bị mài mòn bởi mưa gió, làm nên hình dạng sắc nhọn như hiện tại.
Có những tháp đá cao tới 70 m
Khu bảo tồn tự nhiên Tsingy de Bemaraha được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1990 nhờ địa hình “sắc nhọn” của rừng Tsingy cùng những khu rừng ngập mặn, quần thể chim, vượn, cáo hoang dã cần được bảo tồn.
Bên dưới những “lưỡi dao chọc trời” là hẻm núi, hang động ẩm ướt, cũng là nhà cho nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như vượn cáo. Chúng lợi dụng tháp đá như “đường cao tốc” khi muốn di chuyển giữa các cây ăn quả.
Rừng Tsingy là nơi sinh sống của loài vượn cáo
Những ngọn tháp cũng giúp loài này chạy trốn khỏi kẻ thù. Vì sống trong địa hình hiểm trở, chúng có những miếng đệm dạy trên tay và chân để thích nghi với các đỉnh núi sắc nhọn.
Sự sống ở Tsingy được phân bố theo độ cao. Nếu như đỉnh tháp khô cằn, trơ trụi thì các hẻm núi bên dưới ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Đây là chỗ trú ẩn lý tưởng của một số loài không xương sống và động vật lưỡng cư. Không gian các hẻm núi hẹp, chỉ đủ cho một người di chuyển. Các nhà khoa học nhận xét đây là “nơi ẩn náu hoàn hảo”.
Hẻm núi phía dưới hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng
Hiện nhiều khu vực trong rừng Tsingy vẫn chưa có dấu chân người do địa hình quá hiểm trở. Khách du lịch nếu muốn khám phá rừng cần có kỹ năng và dụng cụ leo núi chuyên nghiệp để di chuyển.