Video: Ông Nguyễn Văn Mến chia sẻ việc bà con nâng cao ý thức trong việc đốt thực bì
Thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa có hơn 300 ha rừng keo của hơn 60 hộ dân, những năm trước cháy rừng diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân đốt thực bì trái phép, gây khó khăn trong việc quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCCR).
Từ khoảng năm 2020 trở lại đây, nhờ áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu, các vụ cháy rừng giảm rõ rệt. Xã thường xuyên tuyên truyền, tổ chức ký cam kết BVR-PCCCR đối với các hộ dân trồng rừng. Đặc biệt, mỗi khi tiến hành đốt thực bì, các hộ trồng rừng được vận động tiến hành đăng ký, ghi rõ địa điểm, ngày, giờ đốt và cam kết không để cháy lan sang khu vực khác.
Đoàn liên ngành kiểm tra khu vực rừng xã Kỳ Hoa đánh giá mức độ nguy cơ xảy ra cháy
Ông Nguyễn Văn Mến - Trưởng thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa chia sẻ: “Quản lý tốt, kiểm soát chặt nên thời gian gần đây bà con đã nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm việc đốt thực bì theo đúng quy định, nhờ đó các vụ cháy rừng giảm rõ rệt. Khoảng 2 năm qua, trên địa bàn thôn Hoa Sơn không xảy ra vụ cháy rừng nào”.
Hai thôn là Hoa Sơn và Hoa Tiến có diện tích trồng rừng lớn nhất xã Kỳ Hoa. Việc đăng ký đốt thực bì được triển khai chặt chẽ từ thôn đến thị xã, được coi là sáng kiến giúp xã thực hiện tốt công tác BVR-PCCR thời gian gần đây.
Video: Lãnh đạo xã Kỳ Hoa trao đổi về cách kiểm soát các hộ dân đốt thực bì
Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa cho biết: “Sau khi người dân đăng ký, thời điểm thời tiết thuận lợi (không nằm trong cấp dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V) xã giao trực tiếp cho cán bộ lâm nghiệp và kiểm lâm địa bàn kiểm tra, báo cáo ban chỉ đạo của thị xã các điều kiện an toàn trước khi quyết định cho xử lý thực bì bằng lửa. Đầu năm lại nay, trên địa bàn xã đã có 38 trường hợp xử lý an toàn thực bì bằng lửa để trồng rừng sau khai thác".
Phường Hưng Trí có hơn 1.000 ha rừng trồng. Từ đầu năm đến nay có 6 hộ đăng ký đốt thực bì theo quy định. Ngay từ đầu thời điểm mùa khô, Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững phường đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm việc đăng ký đốt thực bì.
TX Kỳ Anh hiện có hơn 11.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong ảnh: Diện tích rừng của phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh.
Ông Nguyễn Đình Tài - Chủ tịch UBND phường Hưng Trí cho biết: “Khoảng 2 năm gần đây, trên địa bàn phường chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, song chúng tôi không hề chủ quan. Mỗi khi đến mùa đốt thực bì, phường vừa đẩy mạnh tuyên truyền nhắc nhở bà con, vừa đưa vào giao ước cho từng tổ dân phố (TDP). Theo đó, nếu tổ dân phố nào để xảy ra cháy rừng thì sẽ không bình xét TDP văn hóa. Phường cũng thường xuyên diễn tập cho lực lượng xung kích tại các TDP có diện tích trồng rừng để sẵn sàng ứng phó nếu có cháy xảy ra”.
Camera giám sát cảnh báo cháy rừng được lắp đặt vào năm 2021 cũng là công cụ đắc lực để Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh kiểm soát tốt công tác BVR - PCCCR trên địa bàn.
TX Kỳ Anh hiện có hơn 11.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng là gần 7.500 ha (rừng tự nhiên hơn 3.300 ha, rừng trồng hơn 4.200 ha). Nhiều diện tích rừng nằm xen kẽ với các hộ dân cũng như dự án trọng điểm trong KKT Vũng Áng nên việc BVR-PCCCR luôn được thị xã ưu tiên hàng đầu.
Để chủ động ứng phó với cháy rừng trong mùa nắng nóng, nhất là những nơi có vùng rừng trồng gần các dự án công nghiệp trong KKT Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh đã chỉ đạo các đơn vị, xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: họp dân, thông tin trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, ký cam kết, trực tiếp đến các hộ trồng rừng để tuyên truyền, vận động…
Lực lượng chức năng kiểm tra các dụng cụ PCCCR của xã Kỳ Hoa.
Ông Đào Đức Giang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Nhận thức được vai trò quan trọng trong BVR-PCCCR cấp cơ sở, ngoài việc giám sát qua hệ thống camera cảnh báo cháy rừng, Hạt Kiểm lâm đã chủ động phân bổ 19 máy thổi gió, bàn giao cho 11 xã, phường và các lực lượng chức năng như công an, quân đội, biên phòng; tập huấn kỹ thuật xử lý thực bì bằng lửa, chỉ đạo, giám sát các hộ đốt thực bì sau khai thác...
Cùng với đó, thị xã cũng ban hành quy định về xử lý thực bì bằng lửa sau khai thác đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay đã có gần 90 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân đốt xử lý thực bì an toàn; công tác xử lý thực bì bằng lửa đã được giám sát một cách chặt chẽ và đã thực sự đi vào nền nếp. Đây là những giải pháp nâng cao năng lực BVR-PCCCR cho UBND cấp xã, phường và chủ rừng - yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ những cánh rừng trong mùa nắng nóng".