Vấn đề phòng chống tham nhũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận chiều 6/11. Ảnh: TTXVN
Ngày 6/11, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Theo kết quả thẩm tra, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng phòng chống tham nhũng năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016.
Uỷ ban Tư pháp cho rằng vẫn còn tồn tại các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn; hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng còn chưa tương xứng với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn.
Đáng lưu ý, vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, một số vụ có dấu hiệu tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng.
Trong phiên thảo luận ngày 6/11, nhiều đại biểu cho rằng, việc công khai minh bạch trong công tác phòng chống tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm túc. 92% tài sản tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, vừa qua một số vụ án về tham nhũng đã được đưa ra xét xử, tạo được niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, các vụ tham nhũng được phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là nhũng vụ nhỏ, được phát hiện ở cấp xã, cấp huyện. Đó mới chỉ là vạch mạch ra những “con mèo” ăn vụng của dân, của nước. Việc phát hiện các vụ án tham nhũng ở cấp tỉnh lại ít được xử lý. Chúng ta đang bỏ lọt khu vực này, hoặc khi bị phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không để hành chính hóa các quan hệ hình sự.
Theo đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), trong thời gian qua, một số lạnh đạo cấp cao đã bị xử lý nghiêm minh, củng cố niềm tin của nhân dân nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng. Công tác phòng chống tham nhũng phải minh bạch toàn diện và để dân cần biết, dân bàn và dân kiểm tra. Về giải pháp phòng ngừa tham nhũng, theo đại biểu Yến Linh (Cà Mau), thứ nhất kê khai tài sản phải minh bạch. Cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Để hạn chế tẩu tán tài sản cần cập nhật trang thông tin về kê khai tài sản để người dân giám sát. Thứ hai là có lộ trình giảm lưu thông tiền mặt, từ đó kiểm soát tốt được thu nhập. Công khai minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), năm 2017 có 45 vụ án tham nhũng về kinh tế do cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, thì có tới 32 vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung (chiếm tới 71%), dẫn tới việc kéo dài xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó hầu hết đều là các vụ án lớn, được dư luận quan tâm. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nhiều lần yêu cầu đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án kinh tế tham nhũng. Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bổ sung đối với 32 vụ án này.
Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị: “Cần thực hiện nghiêm quy định về phòng chống tham nhũng. Trong đó, phải chú trọng kê khai, công khai tài sản, thu nhập, nhất là chú trọng kiểm soát tài sản của người có chức, có quyền. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khu vực dễ xảy ra tham nhũng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Để phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng và xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền... Tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT…