Đại biểu Đỗ Khoa Văn (Giám đốc Sở KH&CN) trình bày những nội dung cơ bản của Đề án Phát triển giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Sau khi nghe đại diện Tổ đại biểu bầu tại Vũ Quang trình bày những nội dung cơ bản của đề án phát triển giáo dục, đông đảo cử tri cơ bản đồng tình với những đánh giá về thực trạng của giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh ta trong giai đoạn 2012-2017. Các ý kiến cũng cho rằng, đây là thời điểm cần thiết phải xây dựng và thực hiện Đề án án Phát triển giáo dục mầm non, phổ thông để đáp ứng yêu cầu dạy, học trong tình hình mới.
Các đại biểu tham gia buổi tiếp xúc chuyên đề với cử tri Vũ Quang
Theo đề án, sắp tới sẽ giải thể 3 trường THPT, trong đó có Trường THPT Cù Huy Cận. Tuy nhiên, nhiều cử tri Vũ Quang không đồng tình với việc này. Cử tri cho rằng: Trường THPT Cù Huy Cận được thành lập năm 2010 dựa trên những khảo sát, tính toán căn cơ, bài bản và những luận chứng khoa học.
Thực tiễn cũng cho thấy, cơ sở vật chất của nhà trường đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ nhà giáo đảm bảo yêu cầu, chất lượng giáo dục được nâng lên, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, nhân dân vùng hạ huyện. Theo khảo sát, đến năm 2021 và những năm tiếp theo, trường THPT Cù Huy Cận vẫn tiếp tục giữ vững quy mô khoảng 700 học sinh. Ngoài ra, nếu giải thể thì sẽ tạo áp lực cho trường THPT Vũ Quang và một bộ phận học sinh phải ra ngoại huyện để học...
Cử tri Lê Văn Trung (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cù Huy Cận) cho rằng: Có rất nhiều lý do chính đáng để không xóa bỏ Trường THPT Cù Huy Cận như trong Đề án đã xây dựng.
Một số cử tri Vũ Quang cũng cho rằng, việc sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là cần thiết và quan trọng để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, việc thi bổ nhiệm cán bộ quả lý chỉ nên tổ chức cho những cán bộ quản lý được bổ nhiệm lần đầu hoặc những người muốn được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, không nên thi nhiều lần trong quá trình công tác vì hàng năm đã có đánh giá và tạo thêm áp lực cho cán bộ quản lý.
Cử tri Nguyễn Quốc Thìn (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Vũ Quang): Cần soát xét, tính toán thật kỹ việc sáp nhập các cơ sở giáo dục để đảm bảo tính ổn định, tránh lãng phí cơ sở vật chất, hạn chế bất cập trong bố trí cán bộ, giáo viên...
Góp ý vào Đề án phát triển giáo dục, cử tri Vũ Quang cũng đề nghị: Cần phải tính toán căn cơ khi sáp nhập các cơ sở giáo dục để vừa tránh lãng phí vừa phát huy tốt hiệu quả trong dạy và học; khi chuyển đổi các cơ sở giáo dục theo cơ chế tự chủ thì không nên cào bằng vùng miền vì ở những nơi khó khăn khăn hơn sẽ không đáp ứng yêu cầu và nếu tăng nguồn thu từ học sinh để đảm bảo hoạt động thì sẽ dẫn đến nguy cơ học sinh bỏ học; cần xem xét việc nếu tăng học phí như đề án xây dựng thì nhiều học sinh mầm non sẽ không đến lớp, nhất là các địa phương miền núi, vùng khó khăn.
Cử tri Đặng Thị Tường (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang): Đề án cần xác định rõ việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị là trách nhiệm của ai, vào thời điểm nào để phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, cử tri cũng mong muốn: cần có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà giáo công tác xa nhà luân chuyển dần về gần gia đình; quan tâm hơn nữa đến giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên giỏi, quản lý giỏi; tăng chế độ, tiến hành hợp đồng dài hạn đối với đội ngũ cô nuôi ở bậc học mầm non để các cô yên tâm công tác.
Thay mặt Tổ đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại Vũ Quang, đại biểu Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, góp ý của cử tri.