Những ngày này, Phạm Thị Hồng Nhung (SN 1999, quê xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) đang tất bật chuẩn bị cho hành trình học tập mới ở châu Âu. Tháng 6 vừa qua, Nhung nhận được thông báo trúng tuyển học bổng toàn phần bậc thạc sỹ: Ngành Chiến lược và Đổi mới trong kinh doanh tại Đại học Maynooth, trực thuộc Đại học Quốc gia Ireland.
Đây là học bổng được cấp bởi chương trình giáo dục quốc tế GOI-IES của Chính phủ Ireland. Học bổng bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt cho 1 năm học tập, nghiên cứu tại Ireland, trị giá 30.000 euro (tương đương hơn 820 triệu đồng).
Hồng Nhung cho biết, học bổng GOI-IES có tính cạnh tranh cao. Năm 2024, có hơn 5.800 hồ sơ của các ứng viên được gửi về trên toàn thế giới, song chỉ có 60 cá nhân được trao học bổng, tương ứng với tỷ lệ chọi 1,03%.
Để đạt được học bổng, các ứng viên cần sở hữu kết quả học tập nổi bật; kỹ năng giao tiếp, khả năng sáng tạo tốt; năng nổ trong các hoạt động xã hội. Và hơn hết, các ứng viên cần thể hiện rõ lý do bản thân muốn theo học tại Ireland và tại sao GOI-IES phù hợp với mục tiêu lâu dài của ứng viên.
Về lý do lựa chọn Ngành Chiến lược và Đổi mới trong kinh doanh của Đại học Maynooth để theo học bậc thạc sỹ, Hồng Nhung cho biết, đây là một trong những trường đại học tốt nhất tại Ireland và thuộc top 90 trong bảng xếp hạng Times Higher Education Young University Rankings 2024. Nhung mong muốn quãng thời gian học tập tại châu Âu có thể giúp bản thân phát triển thêm năng lực quản lý chiến lược trong kinh doanh để phục vụ công việc trong tương lai; hiểu rõ cách áp dụng các xu hướng công nghệ mới và các mô hình kinh doanh kỹ thuật số.
Theo Hồng Nhung, mỗi loại học bổng du học đều có những tiêu chí khác nhau và ứng viên cần nắm rõ các tiêu chí mà đơn vị cấp học bổng đưa ra; phân tích rõ các ưu điểm, hạn chế trong hồ sơ xin học bổng của bản thân để từ đó có giải pháp phù hợp.
Cô gái 25 tuổi quê Hà Tĩnh gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh nhờ thành tích học tập đáng nể. Không chỉ là học sinh giỏi trong suốt 12 năm phổ thông, Hồng Nhung còn đạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh môn Toán và Tiếng Anh. Trong đó, 2 năm lớp 11 và 12, Nhung đều đạt giải Ba, Kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn Tiếng Anh.
Năm 2017, Nhung thi đỗ ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh với số điểm 28,25. Trong thời gian học tập tại đây, nữ sinh tiếp tục đạt nhiều thành tích tiêu biểu như: danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; Phó Bí thư Chi đoàn xuất sắc. Ngoài ra, Hồng Nhung còn nằm trong top 2% sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên tiêu biểu toàn khoá" tại kỳ tốt nghiệp năm 2021.
Những năm tháng học tập dưới mái trường Ngoại thương, Hồng Nhung năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cô chia sẻ: “Quãng thời gian đại học, em mong muốn được tham gia nhiều hoạt động để phát triển các kỹ năng mềm. Vào năm nhất, em tham gia AIESEC Việt Nam - tổ chức thanh niên quốc tế phi chính phủ và không vì lợi nhuận, giúp người trẻ phát triển năng lực lãnh đạo thông qua các cơ hội tình nguyện, thực tập quốc tế và hàng loạt dự án trong nước”.
Nhiệt tình, sáng tạo trong các hoạt động của AIESEC, chỉ sau 6 tháng tham gia tổ chức, Hồng Nhung được tin tưởng bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch chi nhánh. “Thời gian hoạt động ở AIESEC đã giúp em không chỉ phát triển các kỹ năng mềm mà còn cả tư duy và kỹ năng lãnh đạo. Đặc biệt, em có cơ hội tham gia các dự án phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại TP Hồ Chí Minh, Thái Lan và Campuchia”, Nhung nói.
Hồng Nhung đang công tác tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Nhung chịu trách nhiệm quản lý và phát triển các đối tác mang tính chiến lược trong ngành tài chính ngân hàng để cung cấp các giải pháp công nghệ của công ty cho các đối tác.
“Bên cạnh thành tích học tập tốt, thì điểm nổi bật hơn cả trong hồ sơ xin học bổng của em là các hoạt động ngoại khoá và mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Như vậy, các học bổng chính phủ sẽ phù hợp với em hơn vì học bổng chính phủ thường quan tâm hơn tới những hoạt động ngoại khoá, những đóng góp của ứng viên đối với xã hội cũng như khả năng phát triển trong sự nghiệp”, Hồng Nhung chia sẻ.
Cô cho biết, một yếu tố quan trọng khác trong hồ sơ học bổng là bài luận. Theo kinh nghiệm của Hồng Nhung, khi viết luận, ứng viên cần thể hiện được mối liên hệ chặt chẽ giữa những gì diễn ra: quá khứ - hiện tại - tương lai. Người viết cần chọn lựa những câu chuyện có giá trị cao, tránh ôm đồm nhiều thứ để xác định và làm nổi bật chân dung bản thân mình.
“Trong bài luận của mình, về phần định hướng nghề nghiệp, em đã đưa ra câu chuyện về công ty đầu tiên mà em làm việc - Grab. Đây là nơi em bắt đầu làm việc toàn thời gian từ học kỳ 2, năm 3 đại học ở vị trí nhân viên điều phối vận hành. Đây cũng là môi trường đầu tiên giúp em làm quen với kinh doanh kỹ thuật số và tự động hoá hệ thống. Trong bài luận, em đã phân tích công việc tại Grab có mối liên hệ như thế nào với công việc hiện nay của em trong lĩnh vực Fintech. Cuối cùng là trong tương lai em có thể đóng góp gì cho Việt Nam và Ireland thông qua những kinh nghiệm và kiến thức đó”, Nhung bày tỏ.
Nhung cũng chia sẻ, trong quá trình 1 năm làm hồ sơ, cô được tạo động lực bởi câu nói “Pray for the best but prepare for the better” (tạm dịch: “Cầu mong những điều tốt nhất nhưng vẫn chuẩn bị cho điều tốt hơn”). “Trước khi em nhận được học bổng này, em cũng từng có 2 lần bị các nơi khác từ chối học bổng. Em hy vọng rằng các bạn đang có ý định chinh phục học bổng sẽ kiên trì, nỗ lực, rút ra được bài học sau mỗi lần bị từ chối và không bỏ cuộc bởi biết đâu được vẫn còn cơ hội tốt hơn đang chờ mình phía trước. Cho dù kết quả thế nào thì mình cũng sẽ có một hành trình đáng giá để chiêm nghiệm và hiểu rõ về bản thân hơn” – Nhung nói.