Ký ức của người cựu tù Phú Quốc

(Baohatinh.vn) - Thời gian lặng lẽ trôi, mái tóc của những người cựu binh đã điểm màu sương khói, nhưng những ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi vẹn nguyên...

Lý tưởng tuổi trẻ

Những ngày tháng 7 tri ân này, người cựu tù Phú Quốc Phạm Hồng Sơn (ở xóm 3, xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn - Hà Tĩnh) lại cùng đồng đội cũ, những người từng vào sinh ra tử trên chiến trường tụ họp bên nhau để ôn lại những kỷ niệm xưa.

Cùng với bao lớp trai làng thuở ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đầu năm 1960, chàng trai miền sơn cước Phạm Hồng Sơn lên đường nhập ngũ. Những ngày huấn luyện gian khổ ở đơn vị D927 thuộc Quân khu 4 trôi qua, ông cùng đồng đội được phân công sang nước bạn Lào chiến đấu. 3 năm vào sinh ra tử trên những vùng đất “chết” của nước bạn Lào như Na Pê, sân bay Lạc Xao, Căm Cớt, đường 9 hạ Lào… ông đã tôi luyện cho mình ý chí kiên cường cùng với kinh nghiệm tác chiến.

ky uc cua nguoi cuu tu phu quoc

Cựu tù Phạm Hồng Sơn

Chiến trường Lào tạm thời “hạ nhiệt”, tháng 3/1963, ông phục viên. Niềm vui bên người vợ trẻ cùng quê và đứa con thơ tròn 4 tháng tuổi chưa được bao lâu, thì năm 1964, ông tái ngũ và được bổ sung vào Sư đoàn 305 Quân khu 4. Từ những kinh nghiệm tác chiến cùng sự dẻo dai và nhanh nhạy trong chiến đấu, ông đã được lựa chọn vào đội đặc công thủy vào chiến trường miền Nam chiến đấu sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc.

Và trong một trận đánh ác liệt tại Playme, ông đã được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Đó là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời người chiến sỹ cách mạng, ngày 2/2/1966. Tuổi quân, tuổi Đảng cứ lớn dần theo từng trận đánh cùng với những vết thương trên thân mình ngày một nhiều hơn nhưng ông vẫn luôn bám sát trận địa với vị trí Đại đội trưởng Đại đội Đặc công, chỉ huy và cùng anh em kề vai sát cánh chiến đấu. Trận càn ác liệt trong những ngày mở màn chiến dịch Mậu Thân 1968 tại thị xã Khánh Hòa đã khiến ông bị thương nặng và bị địch bắt. Những ngày tháng tù đày nơi “địa ngục trần gian” chính thức bắt đầu.

58 tháng nơi “địa ngục trần gian”

Dùng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn nhằm lay chuyển, lôi kéo người chiến sỹ từ bỏ sự nghiệp đấu tranh cách mạng, hòng tìm ra manh mối của Đảng nhưng bất thành, sau 3 tháng tạm giam tại nhà tù Playcu, ông cùng 15 đồng đội bị đày ra đảo. Nghĩa trang Hàng Dương với mộ chị Sáu rõ ràng trước mắt đã khiến ông hiểu rằng, mình đang ở Côn Đảo - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Kiên quyết không nhận mình là tù chính trị, ông đã vận động 15 bạn tù tuyệt thực trong 1 tuần ở chuồng cọp để phản đối. Ý chí của những người cộng sản đã khiến quân địch chùn bước, ông cùng đồng đội lại được chuyển về trại giam trên đảo Phú Quốc.

ky uc cua nguoi cuu tu phu quoc

Cựu tù Phạm Hồng Sơn (ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm với đồng đội.

Nhớ lại những tháng ngày sục sôi nơi địa ngục khủng khiếp ấy, ông Tống Trần Quý, người bạn tù của ông tâm sự: “Cùng quê, cùng lứa, chúng tôi gặp nhau mừng mừng, tủi tủi nhưng không dám tỏ bất cứ thái độ gì, lại càng không dám nhận nhau. Vì bí mật quân sự, chúng tôi phải giấu đi họ tên thật và quê quán, hơn nữa, phong trào đấu tranh trong các xà lim trên đảo ngày một lên cao nên địch càng tăng cường kiểm soát gắt gao”.

58 tháng đằng đẵng trong ngục tù là những chuỗi ngày sống không bằng chết. Ông Sơn đã trải qua 9 lần chuyển trại với không biết bao lần chết đi sống lại bởi những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Bởi ở đâu có những người cộng sản như ông, ở xà lim đó, phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của tù nhân càng lên cao.

Nhớ lại những ngày tháng rùng rợn ấy, đôi mắt ông lại rực lửa căm thù: “Những lần tra tấn dã man đó vẫn nằm sâu trong ký ức tôi, vẫn luôn hành hạ tôi trong những khi thời tiết chuyển mùa. Ở đó, tôi cùng với các đồng chí cách mạng đã trải đủ các ngón đòn tra tấn dã man chỉ có trong thời trung cổ. Hết đánh đập, đóng đinh, đục răng, dùng đuôi cá đuối để đánh, nhốt vào thùng nước đóng kín nắp rồi dùng chày nện bên ngoài, hay nhốt vào chuồng cọp, phơi nắng nhiều tuần liên tiếp… nhưng chúng vẫn không lung lạc được tinh thần cách mạng của những người tù cộng sản. Và tôi đã may mắn hơn nhiều đồng đội khi được trở về”.

Những hình phạt man rợ, nhiều tổn thất hy sinh cũng không ngăn được ý chí, quyết tâm vượt ngục của những người tù cộng sản với khát vọng luôn thôi thúc trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau nhiều lần vượt ngục không thành, năm 1972, trong một lần đi lấy củi, ông đã tổ chức anh em đánh lính cướp súng để vượt ngục. Qua 3 ngày cắt rừng vượt suối, vượt qua 14 hàng rào, gỡ 24 quả mìn, trong số 18 người vượt ngục, chỉ có 3 người về đến đích và được cơ sở đón tại đặc khu Phú Quốc.

Sự trở về của người cựu tù Phú Quốc cùng với bộ sưu tập huân, huy chương như một phép màu hồi sinh cuộc đời của người mẹ già và vợ trẻ, bởi trước đó, gia đình đã nhận được giấy báo tử của ông. Sống sum vầy bên con cháu nhưng ông vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm về những đồng đội đã hy sinh. Và những lúc như thế, ông lại cùng các cựu binh ngồi lại bên ấm chè xanh để cùng nhau ngược dòng ký ức.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.