Mâm cơm chiều 30 tết được chuẩn bị chu đáo nhằm bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Ảnh: Internet
Tôi nhớ cảm giác thành kính và thiêng liêng khi nhìn mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng vào chiều 30 tết. Trước đó, mẹ tỉ mẩn nhẩm tính sẽ mua gì, làm món gì, rồi căn dặn các chị rửa lại bát đũa cất riêng trong chạn, mỗi năm chỉ dùng 1 - 2 lần..
Không chỉ chuẩn bị những thứ ngon nhất, mẹ còn quan sát kỹ trong quá trình làm mâm cỗ. Chẳng hạn, việc vo gạo nấu nồi cơm cúng tổ tiên, mẹ cẩn thận không để hạt gạo nào rơi ra ngoài đất. Nước vo gạo cũng được mẹ cất riêng một thùng, đợi cúng cỗ xong mới đổ vào nồi cám lợn… Nhiều lần tôi thắc mắc, mẹ bảo: “Đồ cúng ông bà, tổ tiên phải được làm tinh sạch nhất. Nếu để vương vãi ra đất là có lỗi”.
Khi mẹ nấu cỗ cúng hay soạn ra mâm, chúng tôi cũng không được lảng vảng gần. Mâm cơm chiều 30 tết mà mẹ tôi soạn sửa có rất nhiều món ngon: Thịt lợn nấu đông, miến xào lòng gà, giò lụa, su hào xào, lát cá thu kho, dưa hành muối có khi còn có món giò chân… Tất cả đều được mẹ đựng trong những cái bát sứ, đĩa sứ rất cổ kính mà cả năm chúng tôi chỉ thấy một hai lần.
Những con giò lụa được mẹ luộc kỹ và treo lên xà nhà trước chiều 30, để chuẩn bị cho mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên.
Mâm cơm đã soạn xong đặt lên bàn thờ, cha tôi ăn mặc chỉnh tề thắp hương khấn vái mời tổ tiên ông bà. Làm lễ xong, cha quay sang tôi đã đứng chờ sẵn trước thềm nhà để giao nhiệm vụ đi nhắc lại lời mời với họ hàng, cô chú.
Tôi nhớ mãi cảnh mình hào hứng chạy lon ton khắp xóm đến nhà o, nhà cậu mự, nhà chú bác, láng giềng… với câu mời đã “soạn” sẵn: “Dạ! Thưa… cha cháu nói mời o dượng, mời cậu mự… đến nhà cháu ăn tết ạ”.
Sợ tôi truyền đạt không hiệu quả, mẹ tôi thường dặn dò rất kỹ, phải mời thế này, thế kia. Tôi phần vì muốn sớm được ăn cỗ, phần vì muốn nhà mình ăn tết chiều 30 thật đông người nên dĩ nhiên cố gắng thể hiện lời mời một cách “nhiệt tình” nhất.
Người làng tôi, ai cũng mong mâm cơm chiều 30 tết có sự đông đủ của người thân, láng giềng...
Sau này, đôi lúc tôi chợt băn khoăn: Tại sao thời đó (những năm 1990), khi làng tôi còn đói kém, trẻ con chỉ mong chờ đến tết để được ăn cơm với thịt, để được ăn bánh chưng… mà người làng tôi lại hiếu khách đến thế. Mâm cơm chiều 30 tết, họ ngồi ngóng đợi bà con, láng giềng đến ăn cùng. Nếu có được đông người thì càng vui mừng phấn khởi, nếu ít người đến thì buồn thiu…
Như cha tôi, mỗi lần tôi chạy về sau lượt đi mời, cha lại hỏi: “Thế nào con? O dượng có về được không? Cậu có nói ra không?...”. Rồi khi có người đến cha tay bắt mặt mừng, lại giục tôi đi một lượt nữa để mời những người chưa đến. Có lẽ cũng vì vậy, mâm cơm chiều 30 tết nhà tôi thường đông đủ họ hàng, con cháu…
Điều khiến lũ trẻ chúng tôi sướng nhất đó là chiều 30 nhà ai cũng làm mâm cỗ. Thành ra, trong 1 buổi chiều chúng tôi có thể ăn 3 cỗ. Cha tôi và các cậu, dượng… đều tranh thủ để góp mặt trong mâm cỗ tết chiều 30 mỗi nhà.
Nếp nhà cũ gợi nhiều ký ức tết xưa. Ảnh: Mai Hoàng
Làng tôi ngày nay giàu có hơn xưa rất nhiều. Mâm cơm chiều 30 tết không chỉ có những món truyền thống, người ta còn “săn” những của ngon vật lạ khắp mọi miền để dâng cúng tổ tiên. Dân làng tôi vẫn nhiệt tình mời mọc. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những mâm cỗ thịnh soạn chỉ có vài ba người ngồi. Bọn trẻ cũng không háo hức trông đợi mâm cơm tết và chúng cũng không làm “sứ giả” năng nổ như tôi ngày xưa nữa.
Chiều nay, 30 tết, nhìn vợ cầu kỳ, chỉn chu làm mâm cơm cúng tổ tiên ông bà, tôi lại nhớ hình ảnh mẹ tôi ngày xưa. Tôi chợt nghĩ: Phải chăng nhờ sự kỹ càng và thành kính trong việc chuẩn bị mâm cơm dâng cúng tổ tiên của những người như mẹ ngày ấy, mà chúng tôi mới thành đạt như bây giờ.