Ký ức người lính. Ý tưởng về bộ sách được phát động từ năm 2012, do nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp làm trưởng ban chỉ đạo biên soạn. Đến nay, công trình đồ sộ này gồm 16 tập. Mỗi tập là một chủ đề, xoay quanh những ngày kỷ niệm, dấu mốc trọng đại của dân tộc. Bộ sách tái hiện những mảnh ký ức của các chiến sĩ từng xông pha trên chiến trường. Mỗi nguồn tư liệu đều gắn với từng tấm gương, câu chuyện đã đi vào trang sử vàng của dân tộc. Ảnh: Thời báo ngân hàng.
Nơi ấy là chiến trường. Tác phẩm của cây bút Phạm Quang Nghị gồm 500 trang (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành), ghi chép ký ức của ông về những ngày cùng đồng đội vào Nam chiến đấu. Với “gia tài” vài cuốn sổ, tác giả thuật lại từng câu chuyện, kỷ niệm diễn ra xung quanh chiến trường. Nơi ấy, bom đạn, khói lửa và đói khát luôn bủa vây. Song, bên cạnh những khó khăn, cuốn sách còn ghi lại khoảnh khắc mừng vui khi thắng trận của người lính. Dù nói về gian khổ hay giây phút hào hùng, dòng nhật ký của tác giả Phạm Quang Nghị cũng lột tả được sự trong trẻo, nhiệt thành của một thế hệ thanh niên sôi nổi lúc bấy giờ. Ảnh: HNM
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) - Góc nhìn báo chí. Cuốn sách do tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tập hợp, biên soạn nội dung, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành. Sách cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh dưới nhiều góc độ khác nhau của những cây bút đến từ các đơn vị báo chí uy tín. Ở các bài viết được tuyển chọn, người đọc được tiếp cận những con số, thông tin chính xác về nhân vật, sự kiện xung quanh cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989). Qua đó, tác phẩm lột tả hình ảnh người lính Việt Nam bình dị, kiên cường mà ở đó, có người trở về và cũng có người đã ngã xuống, đem thân mình đổi lại nền hòa bình cho đất nước. Ảnh: T.P.
Tự hào tuổi trẻ Việt Nam. Bộ sách gồm 11 cuốn (do Nhà xuất bản Kim Đồng biên soạn và phát hành) có giá trị lịch sử và truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ. Mỗi cuốn sách đều kể về các tấm gương anh hùng trẻ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến cứu nước. Họ là những thiếu nhi, chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi góp phần viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Bộ sách gồm các cuốn ở thể loại: Tranh truyện, truyện dài và sách ảnh. Đây cũng là cầu nối bồi dưỡng nhân cách và lối sống đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay. Ảnh: K.Đ
Viết trong lửa đạn. Sau thành công của Làm báo ở chiến trường và Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch , tác phẩm Viết trong lửa đạn của nhà báo, chiến sĩ Cao Kim ra mắt bạn đọc. Cuốn sách gồm những bài viết thuộc nhiều thể loại, được chính tác giả viết và tập hợp, sau đó đăng trên báo Giải Phóng cùng các báo xuất bản tại mặt trận và phát trên sóng của Đài phát thanh Giải Phóng. Là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, những lúc nghỉ ngơi, đôi bàn tay của nhà báo Cao Kim lại cầm bút, máy ảnh để ghi nhận thông tin và lưu giữ hình ảnh tư liệu về cuộc chiến. Trong sách, tác giả tái hiện trước mắt người đọc một thời lửa đạn nhưng oanh liệt, hào hùng. Ảnh: Báo Công Luận.
Theo Zing