Nhân dân nô nức đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Ảnh từ Internet |
Đêm tháng năm bồi hồi tiếng trống
Tôi đi trong những phố reo hò
Là một công dân lòng cũng phất cờ
Tôi muốn hát một bài thơ cổ động.
Ở nước ta
Mỗi cử tri là một người mơ mộng
Tháng năm này suy nghĩ chuyện đi xa
Kế hoạch 5 năm vẽ thêm bản đồ đất nước
Đẹp những công trường gạch đỏ như hoa
Những chợ, những sông, đây phố, đây nhà
Bãi vắng hôm qua
Xanh những bóng cây tình tự
Nước chở phù sa đi vào ruộng lúa
Lá phiếu này ta bỏ cho ta.
(Miền Nam xa
Những đồng chí hôm nào ngã xuống
Nặng dưới hàng mi
Vẫn còn giấc mộng
Trên mộ hoa rừng nở trắng
Như từng lá phiếu cử tri
Bầu cho miền Bắc
Quốc hội hãy ghi
Tiếng nói của người công dân vắng mặt
Nhưng đi trong hàng ngũ ta đi).
Đêm tháng năm trống cờ bay bổng
Ta ghi vào lá phiếu của ta những dòng hy vọng:
“Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh...”
Ôi cái tên những người cộng sản
Nghe dặt dìu tên núi, tên sông
Tên viết bằng chữ đỏ chiến công
Những cái tên trong lòng ta đã thành câu hát
Giản dị, thông thường tiếng nói quê hương
Kể chuyện
chúng ta
khi đi
tay không
Khi về
Trời mây - ruộng đồng - tất cả...
Đất nước ta cầm trong lá phiếu hôm nay
Đưa ta đi lớn bổng từng ngày.
Tháng 5/1960
Chính Hữu
Lá phiếu là quyền mỗi công dân với bao kỳ vọng, lá phiếu cũng là trách nhiệm của mỗi cử tri. Nhà thơ Chính Hữu đã viết chân thành và xúc động với một nhịp thơ vừa bay bổng, đằm thắm tự sự, vừa giàu chất trữ tình để: “Hát một bài thơ cổ động” trong không khí: “Đêm tháng năm bồi hồi tiếng trống - Tôi đi trong những phố reo hò”. Bài thơ mở ra một không gian rạo rực lòng người nhưng cũng rất lãng mạn: “Tháng năm này suy nghĩ chuyện đi xa”.
Từ chuyện bỏ một lá phiếu để vẽ nên cuộc sống của “Những công trường gạch đỏ như hoa”, sự chuyển mình từng ngày của đất nước qua hình ảnh: “Những chợ, những sông, đây phố, đây nhà” như một cuộc diễu hành của tâm trạng, tạo ra những cung bậc đan xen đầy ắp với niềm tự hào “Lá phiếu này ta bỏ cho ta”. Nhịp thơ tạo hình có dư ba ngân vọng như chính sự tươi mới không những đổi thay của cảnh sắc bên ngoài mà chính là tiếng reo trong lòng của thi sĩ. Nhịp thơ của Chính Hữu thường tạo ra sự quấn quýt, hàm chứa bao yêu thương, vừa trầm tĩnh, vừa nghĩ suy, mơ mộng.
Nhịp thơ bỗng trầm xuống khi nhà thơ viết về miền Nam: “Những đồng chí hôm nào ngã xuống - Nặng dưới hàng mi - Vẫn còn giấc mộng”. Đó là: “Tiếng nói của người công dân vắng mặt - Nhưng đi trong hàng ngũ ta đi”. Ở đây, ta chú ý đến nhịp thơ láy lại như tiếng lòng tha thiết.
Từ lá phiếu gợi bao chiều sâu của tâm tưởng về khát khao vào niềm tin thống nhất đất nước. Hai mảng hiện thực của cuộc sống miền Bắc và miền Nam bỗng hòa chung trong một cảm hứng thiêng liêng: “Ta ghi vào lá phiếu của ta những dòng hy vọng: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh...”. Ở đó, trào dâng một cảm hứng dạt dào với nhịp thơ cuốn say như cao trào nội tâm: “Ôi cái tên những người cộng sản - Nghe dặt dìu tên núi, tên sông - Tên viết bằng chữ đỏ chiến công - Những cái tên trong lòng ta đã thành câu hát”.
Đó cũng chính là sự lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất. Những tên người đọc lên đồng vọng hồi âm của cả núi sông và lịch sử. Đây chính là sự phát hiện tinh tế của nhà thơ kết hợp giữa tính lãng mạn cách mạng và chất suy tưởng triết lý phương Đông hợp lòng người. Thơ Chính Hữu thường cô đọng để ngân vang, để khái quát, lan tỏa. Và thật sự Lá phiếu hôm nay đã có sức lan tỏa lớn khi trong những ngày này, chúng ta nhớ về cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên cách đây 70 năm.