Nhân ngày Dân số Việt Nam 26/12
Việc làm- vấn đề nóng bỏng
Các chuyên gia cho biết, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số. Như vậy, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi mà dân số ở trong độ tuổi lao động vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc.
Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế - xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn lực cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới.
Khai thác được thời kỳ “dân số vàng ” sẽ tạo nguồn lực lớn cho đất nước (Trong ảnh: ĐVTN làm sạch môi trường biển ở Kỳ Anh). Ảnh Thu Trang
Trong các cơ hội ấy, vấn đề phát triển nguồn lực, tạo việc làm cho thanh niên vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất. Thiếu việc làm dẫn đến di dân tự do, xuất khẩu lao động diễn ra ồ ạt. Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chưa tính đến con số hàng nghìn người xuất khẩu lao động bất hợp pháp.
Không thể phủ nhận kết quả của việc xuất khẩu lao động trong việc giải quyết việc làm, mang lại nguồn ngoại hối lớn, góp phần đổi thay bộ mặt quê hương. Nhưng điều này cũng cho thấy, Việt Nam đang bị “chảy máu chất xám”, “chảy máu lao động”, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Số thanh niên học giỏi, có trình độ tay nghề cao đang tìm mọi cách để ở lại sinh sống và làm việc ở nước ngoài bởi môi trường lao động chuyên nghiệp, thị trường hàng hóa sôi động mang đến nhiều cơ hội việc làm, tăng nguồn thu nhập cho họ. Và điều quan trọng nhất là cơ chế trả lương rõ ràng, minh bạch, làm nhiều hưởng nhiều, đóng thuế nhiều, làm ít hưởng ít. Bên cạnh đó, các chính sách cho người lao động được quan tâm.
Thực tập sinh Hà Tĩnh được sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Dương Chiến
Dân số tăng nhanh, đặc biệt là số người trong độ tuổi lao động cao đang đặt ra bài toán cho Chính phủ, các bộ, ban ngành và các địa phương là phải từng bước giải quyết được vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nhiều giải pháp được đặt ra: Hướng nghiệp từ trong nhà trường, mở các trường dạy nghề cho thanh niên, các trung tâm, sàn giao dịch việc làm, các tổ chức đoàn thể cho vay vốn, phát triển việc làm, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển thu hút lượng lao động không nhỏ v.v... Đặc biệt, gần đây, việc thu hút đầu tư FDI đã giúp nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động trong nước.
Tuy vậy, cơ hội việc làm vẫn chưa mở ra cho nhiều thanh niên bước vào tuổi lao động. Tình trạng thiếu việc làm, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, lao động thất nghiệp diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thiếu việc làm dẫn đến tệ nạn xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều nơi.
Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động
Việt Nam là nước đang phát triển, nhiều dự án, công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở ra ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… thu hút nguồn lao động lớn. Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng và minh bạch cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư, tìm hướng phát triển.
Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư, tìm hướng phát triển. Ảnh: P.V
Khi nền kinh tế phát triển sôi động thì sẽ giải quyết được nhiều việc làm. Cùng với đó, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp phải không ngừng tìm tòi sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, có chính sách thu hút lao động giỏi, lao động tay nghề cao vào làm việc, giữ chân họ phục vụ lâu dài.
Nhiều bạn trẻ đang làm việc ở nước ngoài tâm sự, họ phải tìm mọi cách ở lại lao động vì về nước khó kiếm được thu nhập tương ứng với trình độ và công sức của họ bỏ ra. Các doanh nghiệp (kể cả FDI) gần đây thường lấy mặt bằng lương ở Việt Nam để trả cho lao động tay nghề cao nên họ không mặn mà.
Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong, ngoài nước.
Khi lao động trẻ, lao động chất lượng cao được trao nhiều cơ hội đồng nghĩa với việc “dân số vàng” được tận dụng.
Một giải pháp khác không kém phần quan trọng hiện nay là tăng cường giáo dục, quản lý người lao động. Khi người lao động có ý thức trau dồi nghề nghiệp, chuyên môn, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, bảo vệ tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, không ngừng học hỏi và sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu thì chính họ đã tự “cứu mình” trước khi “trời cứu".