Tránh trường hợp quá no hoặc quá đói khi lên xe
Trước khi đi, hãy cố gắng không nên ăn quá no hoặc sử dụng các loại đồ uống có cồn. Đặc biệt là đối với những người thường xuyên bị say tàu xe, nhất định phải tránh các loại thực phẩm như vải, sữa đậu nành và lòng đỏ trứng. Dưới sự tác động của môi trường, lượng đường cực cao có sẵn trong vải sẽ lên men, chuyển hóa thành các chất có mùi như men rượu, khiến tình trạng say xe càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, nếu bạn để bụng rỗng, các triệu chứng của hiện tượng say tàu xe sẽ càng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, cơ thể khi đang ở trong tình trạng thiếu năng lượng sẽ không đủ sức kháng cự lại các triệu chứng chóng mặt, nôn nao, khó chịu.
Sử dụng thuốc chống say
Hiện nay, các loại thuốc chống say xe rất đa dạng và phong phú. Nếu bạn là người luôn gặp phải hiện tượng say xe, hãy uống ngay 1 viên thuốc chống say trước khi lên xe khoảng 30 phút - 1 tiếng. Đối với những người bị say nghiêm trọng hơn, có thể sử dụng 2 viên. Còn trẻ em tùy lứa tuổi theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với những người không quen, các loại thuốc chống say có thể gây ra một số tác dụng phụ như choáng váng, người lâng lâng... Nhưng chí ít những cảm giác này không khó chịu bằng việc say tàu xe.
Luôn ưu tiên ngồi hàng ghế đầu
Một kinh nghiệm lâu năm cho những người hay gặp phải tình trạng say xe, chính là ưu tiên ngồi ở những hàng ghế đầu, càng xa phần đuôi xe càng tốt. Khi ngồi ở hàng ghế đầu, tầm mắt của bạn mở xa hơn, tránh tập trung quá sâu vào các tình huống xảy ra bên trong xe. Bên cạnh đó, nếu so sánh với các hàng ghế ở gần đuôi xe, hàng ghế đầu sẽ đỡ xóc hơn, giúp giảm bớt đi những chuyển động không được dự đoán trước.
Không sử dụng điện thoại và đọc sách trên xe
Nhiều người vẫn luôn có thói quen đọc sách báo hoặc sử dụng điện thoại để giết thời gian khi ngồi trên xe. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng say tàu xe.
Cụ thể, hiện tượng say xe xảy ra khi các giác quan hoạt động không đồng bộ, xung đột lẫn nhau. Khi tập trung sử dụng điện thoại hay đọc sách báo trên xe, thị giác sẽ được cố định vào việc đó và truyền thông tin đến não bộ rằng bạn đang đứng yên.
Trong khi đó, những thông tin thu được từ thính giác và các dây thần kinh cảm giác lại thể hiện điều ngược lại. Chính sự sai lệch thông tin giữa các giác quan này khiến bộ não bị “bối rối” và gây ra hiện tượng say xe.
Một chiếc xe sạch sẽ, thơm tho hoặc ít nhất là không có mùi lạ sẽ giúp những người ngồi trên xe có cảm giác thoải mái nhất. Ảnh: AFP
Nhai kẹo cao su
Nhai kẹo cao su có lẽ là cách thông dụng và phổ biến nhất. Ngay từ ngày còn bé, chúng ta đều đã được dạy về biện pháp nhai kẹo cao su, nhằm phòng tránh tình trạng say xe. Nguyên lý chính của biện pháp này chính là làm giảm các tác động do những tín hiệu xung đột lẫn nhau gây ra bởi mắt và tai, nhờ vào cử động nhai trong quá trình “ăn vặt”.
Sử dụng gừng tươi
Từ trước đến nay, gừng tươi vốn luôn được sử dụng như một bài thuốc truyền thống chữa các triệu chứng say tàu xe như buồn nôn, chóng mặt. Bạn có thể giã nát một miếng gừng tươi ra, pha uống với nước ấm hoặc ăn sống trực tiếp.
Khi ngồi trên tàu xe, hãy đặt một miếng gừng nhỏ ngay trước mũi. Mùi hăng và cay đặc trưng từ gừng tươi sẽ xộc thẳng vào mũi, làm giảm đi cảm giác căng thẳng cùng những mùi khó chịu bên trong xe. Cách chống say xe bằng gừng là một trong những phương pháp khá hiệu quả và được nhiều người thường xuyên sử dụng.
Sử dụng vỏ quả cam/quýt
Tương tự như biện pháp sử dụng gừng tươi, vỏ cam/quýt cũng có tác dụng giúp làm giảm các triệu chứng cơ bản của hiện tượng say xe. Đặt một miếng vỏ cam hoặc quýt ở trong xe hoặc trước mũi, mùi hương từ vỏ cam/quýt sẽ giúp kích thích thần kinh, lấn át đi những mùi khó chịu trên xe.
Một cách hiệu quả hơn chính là nặn vỏ cam/quýt, lấy toàn bộ tinh dầu của chúng. Tinh dầu từ vỏ cam/quýt có hiệu quả mạnh hơn, đem lại sự thoải mái và thư giãn cho người say xe.