Mời trầu. Ảnh: Đình Khôi
Ở phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh), từ hơn chục năm nay, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố Ngọc Sơn Nguyễn Thị Khoa đã trở thành “linh hồn” của các chương trình văn nghệ quần chúng ở địa phương. Yêu những làn điệu dân ca ví, giặm, từ nhỏ, chị đã tham gia biểu diễn tại các cuộc liên hoan, hội diễn ở địa phương.
Từ “diễn viên”, chị bắt đầu sáng tác những đoạn ca khúc ngắn, sau đó, dần làm chủ các vở kịch tự biên, tự diễn của tổ dân phố, chi hội phụ nữ. Nhiều vở kịch sau khi được biểu diễn ở quy mô cấp tổ dân phố, đã được chọn tham gia hội diễn cấp phường, rồi đến cả sân diễn cấp thị.
Xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), từ hơn 10 năm trước đã ra đời CLB Đàn hát dân ca và mới đây - năm 2016, có thêm 1 CLB Dân ca ví, giặm. Gắn với hoạt động của các mô hình này là nỗ lực của những người có năng khiếu, đam mê và có tâm huyết với phong trào văn hóa - văn nghệ, với các làn điệu dân ca như: ông Nguyễn Doãn Đào - CLB Đàn hát dân ca thôn Quý Hòa và Nguyễn Gia Phư - CLB Dân ca ví, giặm thôn Nhân Hòa.
Nhiều tiết mục tại hội thi tuyên truyền viên của BHXH Hà Tĩnh sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm
Ông Nguyễn Doãn Đào chia sẻ: “Cả 2 ông bà nhà tôi chung niềm đam mê dân ca ví, giặm. Tôi sáng tác và cùng với cả bà nhà tôi tham gia biểu diễn”. Còn ông Nguyễn Gia Phư đã có nhiều tác phẩm có tiếng trong toàn huyện. Điển hình là ca khúc dân ca “Đến với Cẩm Hòa” do ông Phư sáng tác và các diễn viên quần chúng xã Cẩm Hòa biểu diễn đã giành giải ba tại liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Cẩm Xuyên năm 2016.
Ông Phư chia sẻ: “Tôi tham gia văn nghệ quần chúng từ trong quân đội và đã dành thời gian nghiên cứu về các làn điệu dân ca ví, giặm rồi tập tành sáng tác từ hồi đó. Khi về địa phương tham gia các hoạt động phong trào, cảm xúc trước sự đổi mới của quê hương, tôi đã sáng tác một số ca khúc dân ca ví, giặm để bà con biểu diễn. Các tác phẩm mà tôi sưu tầm, lưu giữ và sáng tác được các thành viên CLB Dân ca ví, giặm Nhân Hòa tập luyện, biểu diễn rất sôi nổi. Ngoài lớp trung niên là chủ đạo, thế hệ các em học sinh cũng hăng say tham gia”.
Theo tìm hiểu, hầu như ở huyện nào cũng có một vài người có khả năng tham gia sáng tác các tác phẩm dân ca ví, giặm như chị Khoa, bác Đào, bác Phư. Các địa phương nên có chính sách động viên, khuyến khích phát triển các nhân tố này nhằm lan tỏa sâu rộng tình yêu dân ca ví, giặm trong đời sống tinh thần của người dân.