Bao đời nay, những cư dân làng vạn chài ở huyện Hương Sơn đã làm nghề đánh bắt cá trên dòng sông Ngàn Phố.
Ngược thời gian, hàng chục năm trước, người dân làng chài thôn 4, xã Sơn Giang đã bắt đầu lên bờ để dựng nhà, xây dựng cuộc sống mới. Con em được đến trường, nhà cửa dần được xây dựng bên bờ sông Ngàn Phố.
Tuy nhiên, đến nay, dù an cư đã lâu nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân vạn chài ở đây vẫn “trên bến, dưới thuyền”, thu nhập của họ chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, bấp bênh theo từng con nước.
Dù lên bờ đã lâu, cuộc sống của người dân vạn chài thôn 4 (Sơn Giang) vẫn bấp bênh theo từng con nước.
Ông Cao Văn Nghiêm - Thôn trưởng thôn 4 cho biết: “Toàn thôn có 244 hộ thì bây giờ còn khoảng 50 hộ chỉ làm mỗi nghề chài lưới. Cuộc sống của 50 hộ dân này phụ thuộc vào nguồn lợi thuỷ sản trên sông Ngàn Phố, nhưng giờ cá tôm ít dần, phần lớn thanh niên phải đi làm thuê, ở nhà chủ yếu người già và trẻ nhỏ. Những người còn ở lại theo nghề thì cuộc sống bếp bênh, lại thêm việc nơi đây thường xảy ra lũ lụt, đời sống vì thế lại càng khó khăn hơn...”.
Tận dụng bãi bồi bên sông, ông Nguyễn Văn Đường tranh thủ dọn dẹp đất để vài ngày tới trồng thêm rau màu, cải thiện cuộc sống.
Nay đã 61 tuổi, gắn bó với nghề đánh bắt cá trên sông từ năm lên 13 - ông Nguyễn Văn Đường (thôn 4 xã Sơn Giang) cho biết, dù sức khỏe hiện đã giảm sút nhưng 2 ngày 1 lần, ông vẫn phải lênh đênh trên sông để kiếm bữa ăn hằng ngày.
Ông Đường tâm sự: “Cả cuộc đời tôi sống nhờ nghề chài lưới. “Gạo chợ nước sông” nhưng nay, sức khỏe của 2 vợ chồng yếu đi nhiều, không thể ngày nào cũng đi thuyền được nên bữa no bữa đói. Ở đây không có đất sản xuất và cũng không thể bám trụ với nghề sông nước, nên các con tôi đã vào miền Nam làm ăn hết. 2 năm nay, dịch COVID-19 đã khiến cho cuộc sống của các con lao đao nên cũng không thể đỡ đần được cho bố mẹ.”
Chiếc thuyền nhỏ là phương tiện giúp anh Trần Văn Điệp “kiếm cá, đổi gạo” nuôi gia đình 8 người.
Đối diện nhà ông Đường là gia đình của ông Trần Văn Luận (SN 1963). Cả gia đình 8 người của ông Luận trông chờ vào những ngày đi sông đánh cá của cậu con trai là anh Trần Văn Điệp (SN 1987).
Lên bờ dựng nhà từ năm 2003, thế nhưng, cuộc sống của gia đình ông Luận vẫn quanh quẩn ở dưới con thuyền nhỏ. Khi sức khỏe cho phép, ông Luận và vợ vẫn tranh thủ sắp xếp lưới để anh Điệp chuẩn bị cho chuyến đi đánh cá tiếp theo.
Ông Luận và vợ vẫn tranh thủ sắp xếp lưới để anh Điệp chuẩn bị cho chuyến đi đánh cá tiếp theo.
Hướng mắt nhìn về phía dòng sông Ngàn Phố, nơi gắn bó hơn nửa đời người, ông Luận kể: “Lúc trước chưa lên bờ, tôi không có điều kiện cho con cái học hành, nên con trai tôi mới học hết cấp 1 đã nghỉ học và theo gia đình đi đánh cá. Giờ lên bờ rồi nhưng do không được ăn học đầy đủ, con tôi vẫn phải lênh đênh trên thuyền để nuôi bố mẹ già yếu, người chị trầm cảm và 3 đứa con nhỏ. Con dâu tôi sức khỏe cũng không tốt nên chỉ đi làm thuê qua ngày, nguồn thu nhập chẳng đáng là bao”.
Vừa đi thuyền về nhà vào buổi sáng, đến chiều anh Trần Văn Điệp còn tranh thủ thả lưới gần bờ để lo thức ăn cho bữa tối nhưng “thành quả” chằng được bao nhiêu.
Nguồn lợi thủy sản đang vơi dần khiến đời sống của gia đình anh Điệp đã khó lại càng khó hơn. “Nghề sông nước mà, ráo mái chèo là “ráo” ăn nên tôi phải cố gắng đi đánh cá hằng ngày, nhưng cũng ăn bữa nay, lo bữa mai.
Mỗi ngày, tôi đều đi thả lưới từ 5h chiều cho đến 4h sáng hôm sau. Tôi thường chèo thuyền ngược lên tận vùng Đại Kim (xã Sơn Kim 1) để đánh cá. Nhưng giờ đây, cá tôm đã ít đi, nếu hôm nào thời tiết không thuận lợi, tôi trắng tay đi về” – anh Điệp tâm sự.
Trong căn nhà “trống hơ, trống hoác”, anh Cao Văn Điệp vẫn tranh thủ sửa lại những tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến đi đánh cá ngày mai.
Bên dòng Ngàn Phố yên ả vẫn còn nhiều phận đời “ba chìm, bảy nổi” theo từng con nước. Trong căn nhà “trống hơ, trống hoác” của vợ chồng anh Cao Văn Điệp (SN 1978) và chị Nguyễn Thị Luận (SN 1981) gần như chẳng có gì đáng giá. Vợ chồng anh Điệp vừa mới chuyển lên bờ dựng nhà được 5 năm nay. Nhưng lên bờ, anh chị vẫn chưa thể lập nghiệp với nghề mới, bởi đất sản xuất không có; tiền vốn tích góp cũng được anh chị dồn để dựng nên ngôi nhà chỉ đủ che mưa, che nắng.
Dù gặp tai nạn, sức khỏe giảm sút nhưng mỗi tuần 3 lần, anh Điệp và chị Luận vẫn chạy xe máy sang đập Ngàn Trươi (Vũ Quang) để đánh bắt cá. Theo lời chị Luận, bởi nguồn lợi thủy sản ở sông Ngàn Phố đã cạn dần nên vợ chồng anh phải tìm đến nơi mới, mong có thêm thu nhập. Nhưng, trừ tiền xăng dầu, mỗi lần đi về, vợ chồng anh chỉ còn khoảng 150.000 đồng tiền lãi.
“Con trai đầu bị bệnh động kinh từ nhỏ, vợ chồng tôi lại đều có bệnh nên chi phí thuốc men, tiền học cho 3 đứa con là cả một gánh nặng” – chị Luận chia sẻ.
Còn anh Điệp thì chia sẻ: “Ước mơ của vợ chồng tôi là có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, cải thiện thu nhập và không còn phải bấp bênh theo những con cá, con tôm nữa”.
Nhiều lần ra sông thả lưới, ông Trần Quốc Việt (SN 1960) - người đã có hơn 50 năm làm nghề chài lưới phải mang lưới không về, do lượng cá, tôm ngày càng cạn kiệt.
Ông Nguyễn Đức Thắng – Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: "Ở thôn 4 có hơn 1/5 số hộ dân (khoảng 50 hộ - PV) làm nghề chài lưới. Không ít hộ dân có đời sống bấp bênh bởi nguồn thu nhập của họ phụ thuộc hoàn toàn vào sông nước.
Để tạo sinh kế lâu dài cho bà con, địa phương đang từng bước hỗ trợ người dân vạn chài chuyển đổi nghề nghiệp. Trước mắt, tận dụng những bãi bồi bên sông để chăn thả bò, dê, trồng rau màu. Khuyến khích bà con đầu tư xây chuồng trại tránh lũ để nuôi hươu, cải thiện thu nhập. Với những người trở về từ các địa phương khác do dịch COVID-19, địa phương đã vận động đến làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn...".