Lãnh đạo không thể cứ nói chủ trương mà không đi sát công việc

“Tinh thần phục vụ, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” không phải chỉ mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ mà ngay từ khi còn là lãnh đạo địa phương, ông đã luôn trăn trở, tâm niệm và thực hiện những điều này.

lanh dao khong the cu noi chu truong ma khong di sat cong viec

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Trình bày bản báo cáo trước Quốc hội vào tháng 10/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã yêu cầu "Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc rà soát và điều chỉnh các quy định trên lĩnh vực thuộc phạm vi mình phụ trách". Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 30/10/2004, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu lên những trăn trở cũng như sự đồng cảm của ông về tinh thần, trách nhiệm của người lãnh đạo trước nhân dân. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cách đây hơn 12 năm.

-Lãnh đạo địa phương đón nhận chỉ đạo của Thủ tướng ra sao?

Tôi tâm niệm rằng người lãnh đạo không thể cứ nói chủ trương mà không đi sát vào công việc. Bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh các quy định thuộc lĩnh vực mình phụ trách như ý kiến của Thủ tướng, tôi nghĩ chúng ta còn cần phải rà soát đội ngũ cán bộ để loại bỏ khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, kém năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Muốn thế lãnh đạo phải tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, trên tinh thần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

-Nhưng thưa ông, lâu nay trong bộ máy chúng ta vẫn tồn tại một thực tế: Khó lòng quy được trách nhiệm cá nhân?

Tôi đồng tình với báo cáo Chính phủ khi cho rằng mỗi cơ quan đều phải có quy trình giải quyết các loại công việc và đối với từng công đoạn, định rõ thời hạn trả lời dân; khâu nào ách tắc, chậm trễ phải qui được trách nhiệm cá nhân. Việc quy rõ trách nhiệm như thế sẽ tạo “sức sống”, sự phấn đấu, quyết tâm trong công việc. Mình lâu nay có một cái dở là cái gì cũng chung chung, tập thể. Theo tôi, làm rõ trách nhiệm cá nhân cực kỳ quan trọng trong điều hành, từ Thủ tướng đến bộ trưởng, chủ tịch cấp tỉnh, cấp huyện xuống cấp xã… Anh chủ tịch xã để chìm tàu, chìm đò chết người nghiêm trọng trên địa bàn của anh thì anh phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật nghiêm. Không thể trách nhiệm giao cho anh nhưng anh muốn làm thế nào cũng được, bỏ mặc người dân sống hay chết… Vô lý!

-Và do “cái gì cũng chung chung, tập thể” nên tình trạng “trên thông dưới tắc” đang trở nên phổ biến?

Đúng. Quy chế trách nhiệm cá nhân không rõ còn gây nên tình trạng “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe”. Ở giai đoạn hiện nay, bệnh trì trệ phải được đặt ra như một loại tiêu cực, tham nhũng đặc biệt. Công việc lẽ ra một ngày, thậm chí một buổi là xong nhưng cứ kéo dài cả tháng. Căn bệnh này đặt ra hai câu hỏi: kiến thức, trình độ của anh thế nào và tinh thần trách nhiệm của anh ra sao? Cho dù ở trạng thái nào anh cũng phải bị xử lý. Thế nhưng biểu hiện chính của bệnh trì trệ là người ta cứ cố tình đẻ thêm ra quy định để tiêu cực, gây khó…

-Ở Quảng Nam có bệnh này không, thưa ông?

Cũng có một bộ phận cán bộ như thế. Cho nên như tôi đã nói trước hết phải rà lại từng khâu, từng bộ phận, phát hiện chỗ nào trì trệ thì sẽ xử lý.

-Ưu tiên rà lại ở những ngành, lĩnh vực nào?

Có thể kể ngay đến những lĩnh vực hay bị phàn nàn hoặc những lĩnh vực sát sườn người dân: từ hộ khẩu, cấp sổ nhà đất, giải phóng mặt bằng đến thủ tục đăng ký kinh doanh, công khai quy hoạch sử dụng đất, thủ tục thuê đất… Nói chung, thường những việc người dân cần đến nhiều thì sự nhũng nhiễu cũng lại nhiều vì cán bộ hay thấy mình… quan trọng.

-Theo ông, việc công khai số điện thoại của người đứng đầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các công việc để dân liên hệ khi cần thiết liệu có giảm được sự nhũng nhiễu?

Công khai không chỉ số điện thoại mà phải công khai cả quy trình làm việc, thời gian trả lời… Bản thân tôi cũng đã công khai số điện thoại lâu rồi. Đúng là từ khi đăng số điện thoại lên báo, mình nhận được nhiều thông tin tốt, giúp công việc được giải quyết kịp thời hơn.

-Người dân điện thoại nhiều, ông không sợ bị quấy rầy? Nhờ người dân điện thoại, đã có trường hợp nào bị xử lý?

Bà con cung cấp cho mình nhiều thông tin tốt, tại sao mình phải ngại. Ngay sáng nay (khi ông Phúc đang chủ trì thảo luận ở tổ Quốc hội - PV) cũng có một người điện thoại từ trong đó (Quảng Nam) ra thắc mắc về một việc cụ thể… Qua phản ánh của người dân, chúng tôi đã từng điều tra được một vụ phá rừng, từ đó xử lý cán bộ liên quan.

-Ông cho rằng việc chịu khó tiếp xúc với dân chính là biểu hiện của văn hóa lãnh đạo và quản lý?

Tôi rất mừng khi ở Quốc hội lần này Thủ tướng đã đề cập vấn đề: Các cơ quan hành chính phải xây dựng văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa nơi công sở, thể hiện trước hết trong trách nhiệm và thái độ ứng xử khi giải quyết công việc của dân. Hôm Thủ tướng gặp doanh nghiệp, tôi cũng đã định phát biểu vấn đề này. Người lãnh đạo chúng ta phải ứng xử với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân một cách có văn hóa, phải đổi suy nghĩ từ cách quản lý theo kiểu cai trị sang quản lý phục vụ. Đó là yêu cầu quan trọng để tạo niềm tin cho dân.

Theo tôi, những vấn đề bức xúc, đòi hỏi của dân đều phải được giải đáp, giải quyết đúng mực. Có thể vấn đề anh không giải quyết được nhưng anh vẫn phải giải thích cho rõ, dù vấn đề đó chỉ gói gọn trong một lá thư, một cú điện thoại hay một văn bản của doanh nghiệp, người dân. Không thể chấp nhận một thái độ phục vụ mà người ta gửi cho anh dăm ba tháng rồi anh ngâm ngày này qua ngày khác không trả lời.

-Nhưng xin nói thật: Lâu nay người dân thường thấy khó gần lãnh đạo, nhất là lãnh đạo địa phương?

Đúng là có một bộ phận cán bộ quan liêu xa dân, song ngược lại người dân cũng vẫn còn quan niệm “ông đó chức này chức kia, mình gặp chắc khó khăn lắm”. Làm sao để “dân trong cán bộ, cán bộ trong dân”, điều đó hoàn toàn không đơn giản. Duy có một điều chắc chắn: nếu sát dân, huy động được nguồn lực trong dân thì mọi việc sẽ thắng lợi. Ở Quảng Nam điều này rất rõ. Chúng tôi không thể làm được hàng nghìn km giao thông nếu không lắng nghe dân để đưa ra được cơ chế phù hợp: Dân làm thì Nhà nước hỗ trợ, Nhà nước làm thì dân đóng góp…

-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có thể khẳng định: “Tôi không phải là người xa dân”?

Đúng rồi. Tôi luôn gắn bó với dân. Tôi đã trực tiếp giải quyết, xử lý nhiều vấn đề bức xúc mà nhân dân đặt ra. Anh đừng ngại dân. Ngay những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, dân tộc,… anh cũng phải xuống nghe dân. Dân của mình rất tốt, khi gặp trực tiếp người lãnh đạo, họ yên tâm hơn, bớt căng thẳng hơn. Anh cán bộ nào xa dân trước sau cũng sẽ không tồn tại.

-Ông có thường đặt ra cho mình kế hoạch, chương trình xuống với dân?

Ở UBND tỉnh Quảng Nam hiện nay, chúng tôi thường xuyên xuống với dân. Tuần nào cũng có lãnh đạo tỉnh tiếp dân. Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng chí bất ngờ đi cơ sở sản xuất, đi địa bàn để nghe bà con phản ánh mà không cần có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Như thế vừa để người dân bày tỏ được tâm tư nguyện vọng vừa đỡ tốn kém, hình thức. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho việc xuống những điểm nóng, bức xúc.

-Nếu có trường hợp người dân tố cáo một cán bộ thân cận của ông tiêu cực, ông sẽ xử trí nào?

Các cụ xưa có câu rất hay: “pháp bất vị thân”. Dù người thân vi phạm pháp luật cũng cần phải nghiêm túc. Khi có thông tin không tốt về cán bộ thân cận với mình, sẽ có hai việc: một là cho cơ quan chức năng với đội ngũ trong sạch, vững mạnh đi xác minh vụ việc; hai, nếu có điều kiện thuận lợi thì gặp người dân đã tố cáo để tìm hiểu thêm. Khi mọi việc đã rõ thì không nể nang, né tránh. Bởi nếu chúng ta bảo vệ người thân sai phạm sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến hiệu lực của bộ máy, đến uy tín cá nhân. Càng thân càng phải nghiêm túc, có lý có tình.

-Thời gian làm lãnh đạo tỉnh, ông đã phải xử lý những trường hợp nào như vậy, dù rất đau lòng?

Quảng Nam có doanh nghiệp từng đóng góp nhiều cho tỉnh, được đánh giá rất cao, mình tưởng những ông lãnh đạo doanh nghiệp ấy sẽ không vi phạm nhưng họ lại lợi dụng quan hệ để làm sai. Mình dứt khoát xử lý theo đúng pháp luật.

-Ý ở đây muốn hỏi đến những trường hợp cán bộ công quyền, thưa ông?

Bộ máy có một số giám đốc sở không đủ năng lực, mặc dù họ rất tốt, làm việc với mình lâu năm nhưng vẫn phải cương quyết bố trí họ sang vị trí công tác khác thích hợp hơn. Cũng đau xót lắm! Tuy nhiên có lên có xuống, có qua có lại (bố trí nhân sự lên hoặc xuống hoặc sang các chức vụ tương đương - PV), có khen thưởng kỷ luật, có thanh kiểm tra thì bộ máy mới hoạt động tốt được. Không phải nhiệm kỳ năm năm là anh cứ yên tâm làm mãi năm năm.

-Chúng tôi được biết ông đã có ý tưởng thực hiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm ở địa phương?

Đúng là chúng tôi đã đề nghị HĐND tỉnh việc bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo định kỳ hằng năm. Và trong trường hợp cụ thể, UBND có thể đề nghị HĐND xem xét thay đổi chức vụ đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp mà không cần phải đợi hết nhiệm kỳ năm năm. Thái độ rất cương quyết như thế sẽ làm bộ máy vận hành sống động hơn, tận tâm hơn, khắc phục tình trạng ỉ lại, “sáng xách ô đi tối xách ô về” đang còn khá phổ biến hiện nay.

-Nghĩa là không loại trừ chức danh chủ tịch UBND tỉnh?

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh, giám đốc các sở, kể cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, trưởng các ban HĐND… đều sẽ được đánh giá xem có hoàn thành nhiệm vụ không. Nếu không đạt thì xem xét để có hình thức điều chuyển cho phù hợp.

-Và cấp huyện, xã cũng làm tương tự?

Từ tỉnh xuống huyện, xã đều làm vào kỳ họp HĐND cuối mỗi năm. Bắt đầu thực hiện từ năm 2005. Trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo các cấp chắc chắn sẽ được nâng cao.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.