Những sóng lúa màu xanh xen lẫn vàng tại Sa Pa được ghi lại dưới ống kính của Nguyễn Đình Hiếu, 27 tuổi, Hà Nội. Hiếu là một người đam mê du lịch và chụp ảnh. Chuyến đi săn ảnh lúa chín của Hiếu diễn ra từ 14 đến 16/8 theo cung đường thị xã Sa Pa - các xã Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Dền Sáng - Y Tý (huyện Bát Xát), Lào Cai.
Hiếu đã đến Lào Cai 4 lần, nhưng đây là lần thứ hai đi chụp lúa. Thời tiết ở các điểm chụp mùa này thay đổi lớn, sáng dao động 16-18 độ C nhưng trưa lại nắng gắt. “Tôi lựa chọn di chuyển bằng xe giường nằm vì tiện lợi, đảm bảo đi từ Hà Nội là 22h đêm đến 5h sáng tới thị xã Sa Pa, đủ sức khỏe để di chuyển tiếp đến những điểm có ruộng bậc thang”, Hiếu nói.
Tại thị xã Sa Pa, Hiếu thuê xe máy đi theo hướng Quốc lộ 4D lên Thác Bạc đến xã Mường Hum, huyện Bát Xát với quãng đường hơn 40 km, dần bắt gặp những ruộng bậc thang uốn lượn quanh đường di chuyển.
Mùa gặt lúa chín ở Lào Cai không đều nhau. Điển hình như tại Sa Pa, người dân gặt lúa chậm hơn để đợi, hút du khách đến tham quan; còn một số vùng sâu, vùng xa thì lúa đã bắt đầu gặt. Dự kiến ở Sa Pa khoảng gần 2/9, người dân bắt đầu gặt, quan sát của Hiếu cho thấy năm nay lúa chín sớm hơn mọi năm.
Thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch vào tháng 6/2021. Nơi này có khung cảnh hoang sơ và điểm nhấn là hai cây Đuya Già (ảnh).
Một góc ruộng bậc thang yên bình Dền Sáng. Hiếu chia sẻ quá trình ngắm cảnh đẹp lúa chín gặp một số đoạn đường có ổ gà, mặt đường lồi lõm, lo ngại nếu xe cán trúng đá, bị hư giữa đường không biết phải dẫn bộ đến đoạn nào mới có chỗ sửa xe.
Ruộng bậc thang trên đoạn từ xã Sàng Ma Sáo lên Dền Sáng qua đường tỉnh lộ 158. Trong tiếng Mông, Sàng Ma Sáo có nghĩa là dãy núi Mào Gà. Đây cũng là tên của bản người Mông nằm dưới chân núi.
Nếp nhà yên bình bên những ruộng bậc thang ở Mường Hum. Hiếu ấn tượng trước những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp núi rừng, hiện trước mắt là sắc xanh, vàng, đan xen nhịp điệu gặt lúa của người dân. Lào Cai có nhiều dân tộc cùng chung sống, sống quanh những vùng có ruộng bậc thang chủ yếu là người Mông, người Dao và người Tày.
Nắng chiều vàng soi rọi trên ruộng bậc thang Dền Sáng đẹp như tranh. Hiếu may mắn khi được tận hưởng mùi lúa chín thơm thoang thoảng trong gió. Sau khi ngắm lúa tại Dền Sáng, Hiếu về lại Sa Pa. Anh lưu ý du khách có thể chọn thuê homestay, nghỉ qua đêm trên Y Tý, nếu thể lực không đảm bảo để đi xe máy về Sa Pa hoặc có ý định chụp hoàng hôn Choẻn Thèn.
Những thửa ruộng bậc thang “bắc lên trời” tại bản Ý Linh Hồ, Sa Pa. Cung đường lớn đến với Ý Linh Hồ tuy vất vả do dốc cao, bù lại cảm giác mệt nhọc nhanh chóng tan biến khi khung cảnh bên đường rất đẹp, vẫn còn hoang sơ, có thể nhìn những ruộng bậc thang từ trên cao.
Ngoài săn ảnh lúa, Hiếu còn đi vào các khám phá nhịp sống của người dân. "Vào bản, bạn sẽ bắt gặp những đứa trẻ thường tụ tập chơi với nhau và đi chăn trâu. Một số tuyến đường đi đều là lối mở, nên có nhiều đoạn nhỏ, nhiều lúc gặp đàn trâu chiếm hết không gian đường nên các bạn lưu ý quan sát phía trước để đảm bảo an toàn”, Hiếu cho biết thêm.
Thu Hiền, một du khách từ Hà Nội, cùng chuyến đi với Hiếu, đang tận hưởng không khí trong lành giữa mùa lúa chín tại bản Lao Chải - Tả Van. Đây là hai bản lớn nhất Sa Pa gây ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang đẹp và cao.
“Ở Lao Chải - Tả Van có nhiều homestay, được khách nước ngoài yêu thích vì gần gũi thiên nhiên và con người. Tôi cảm thấy du khách nước ngoài còn nhiều hơn dân bản địa”, Hiếu nói. Sóng lúa xếp tầng tại Lao Chải - Tả Van. Không như Sapa có phần náo nhiệt, sầm uất, bản Lao Chải - Tả Van mang trong mình vẻ đẹp bình yên, hoang sơ của miền núi cao.
Sau khi đã trải nghiệm những ruộng bậc thang, theo con đường mở Hiếu di chuyển lên Séo Mý Tỷ, một bản cao trên núi thuộc thuộc xã Tả Van, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 20 km. Séo Mý Tỷ là nơi cư trú chủ yếu của dân tộc Mông. Đoạn đường lên bản dốc quanh co, tầm nhìn trên này có thể nhìn bao quát hết cả thung lũng phía dưới.