Anh Thân đi chơi ở Singapore trước dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)
Sang Singapore làm việc trong ngành xây dựng từ năm 2016, anh Thân kể chưa bao giờ trải qua tình huống nào tương tự như đợt dịch Covid-19 lần này.
Vì dịch bệnh, người đàn ông quê phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tạm thời được công ty cho nghỉ việc, bố trí chỗ ở chung cùng nhiều người khác trong bối cảnh giới chức Singapore yêu cầu hàng trăm nghìn lao động trong ngành xây dựng và người đi theo phải cách ly tại nhà từ ngày 20/4.
“Trước dịch, hết giờ làm, tôi ngủ luôn tại xưởng. Kể từ khi Singapore siết chặt các biện pháp phòng nCoV, công ty tôi thuê nhà trọ bên ngoài cho nhân viên cách ly tập trung. Ban đầu chúng tôi ở khu Sembawang, sau đó vài ngày được chuyển đến khu Little India”, anh Thân kể.
Người đàn ông 38 tuổi thông tin, tính đến ngày 24/4, Singapore đã ghi nhận hơn 12.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 12 ca tử vong, hiện là vùng dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6.
Theo anh Thân, phần lớn các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Singapore rơi vào lực lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Các ca nhiễm trong cộng đồng và lao động không sống trong ký túc xá chiếm tỷ lệ thấp hơn.
“Hiện phần lớn các ký túc xá cho lao động nước ngoài ở Singapore đã trở thành khu cách ly, các công nhân sống tập trung từ 12-20 người sinh hoạt trong một phòng. Bốn năm ở Singapore, tôi chưa từng sống trong các khu ký túc xá kiểu này, nhưng giờ đã được trải nghiệm cách sinh hoạt tương tự”, anh Thân cười nói.
Người đàn ông quê Hà Tĩnh cho biết hiện đang sống cùng 3 đồng hương Việt Nam và 5 người Bangladesh bên trong một căn phòng rộng chỉ 15 m2.
“Phòng này trước đây có 14 người ở, giờ 5 người đã chuyển đi, chỉ còn lại chúng tôi”, anh Thân nói về căn hộ với những chiếc giường tầng bằng sắt xếp san sát, chỉ trừ ở giữa một lối đi nhỏ đủ cho một người di chuyển. Đây là một trong số 11 căn hộ nằm trong một tòa nhà ba tầng và theo như lời kể anh Thân, cả 10 căn phòng còn lại cũng đều trong tình trạng ken đặc người tương tự.
Căn phòng rộng 15 m2 nơi anh Thân đang cách ly cùng 8 người khác ở Singapore. (Ảnh: NVCC)
Mỗi tầng của tòa nhà có từ 3 đến 4 phòng cùng dùng chung hai phòng tắm và hai phòng vệ sinh rộng chưa đầy 1m2. Để tránh tình trạng chồng chéo, các phòng được phân chia giờ sử dụng phòng tắm.
“Tôi ở phòng B, tầng 1, dùng chung phòng tắm và nhà vệ sinh với phòng A và C. Mỗi ngày phòng tôi được dùng phòng tắm hai buổi vào buổi trưa từ 10h đến 12h, và buổi tối từ 19h đến 21h”, anh Thân nói.
Lịch phân công giờ tắm của các phòng trong tòa nhà anh Thân ở. (Ảnh: NVCC)
Nhà tắm nhỏ, rộng chưa đầy 1m2. (Ảnh: NVCC)
“Theo lệnh cách ly xã hội, chúng tôi không được phép ra khỏi nhà. Phòng lại quá chật chội không thể nấu nướng, chúng tôi đành phải đặt ship đồ ăn mang đến” - anh Thân kể và tâm sự thêm: hàng ngày đều tự giam mình trong bốn bức tường, đôi khi không biết bên ngoài đang nắng hay mưa, đêm hay ngày, nhiều lúc cảm giác rất bí bách, khó chịu.
Những ngày này, anh Thân chỉ biết lên mạng đọc báo, xem phim, gọi điện về cho vợ con ở quê. Người đàn ông quê Hà Tĩnh cho biết luật pháp của Singapore rất chặt chẽ. Người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Singapore phải có 1 trong 3 loại visa Work Permit, S Pass hoặc E Pass. Những người vi phạm giãn cách xã hội như không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn… sẽ bị phạt tiền, hoặc trường hợp nặng hơn là bị cắt thẻ visa, buộc phải trở về nước. “Do vậy, người lao động rất sợ, không dám vi phạm”, anh Thân kể.
Ngoài việc bố trí chỗ cách ly, công ty của anh Thân còn hỗ trợ thêm cho mỗi nhân viên 140 đôla Singapore (khoảng 2,3 triệu đồng) tiền ăn mỗi tháng, tuy nhiên do chi phí sinh hoạt ở “đảo quốc sư tử” khá đắt đỏ cho nên các công nhân vẫn phải tự bỏ tiền túi ra để cầm cự qua dịch.
“Ban đầu lệnh giãn cách xã hội được áp dụng đến ngày 4/5, nhưng giờ được kéo dài thêm gần một tháng nữa. Không có thu nhập gửi về cho gia đình, trong khi vợ lại sắp sinh đứa thứ ba, cuộc sống thêm phần khó khăn”, anh Thân tâm sự.
Anh Thân bày tỏ rất muốn về nước tránh dịch để giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình song hiểu tình trạng hiện nay, các hãng hàng không đều hạn chế bay để ngăn chặn dịch Covid-19.
“Hôm qua, Việt Nam đã bố trí chuyến bay hỗ trợ công dân Việt Nam từ Singapore về nước. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên các trường hợp là người đi chữa bệnh, du học sinh, lao động hết hạn lưu trú, bị kẹt ở Singapore do Covid-19, thẻ visa của tôi chưa hết hạn nên sẽ nhường cho những trường hợp cấp bách hơn”, anh Thân nói.