Lao động Việt dang dở giấc mơ làm điều dưỡng ở Nhật sau "sự cố TITP"

(Baohatinh.vn) - Việt Nam hiện là nhà cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất cho Nhật Bản theo một chương trình thực tập sinh được tài trợ bởi chính phủ nước này dành cho lao động nhập cư. Tuy vậy, sự chậm trễ trong việc mở thêm ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh của Nhật Bản, bao gồm cả ngành điều dưỡng đã khiến một vài bạn trẻ Việt Nam phải suy nghĩ lại kế hoạch của mình.

lao dong viet dang do giac mo lam dieu duong o nhat sau su co titp

Quốc hội Nhật Bản hiện vẫn chưa thông qua việc mở rộng ngành nghề tuyển dụng lao động nước ngoài, bao gồm cả lao động điều dưỡng, theo Chương trình Học viên thực tập kỹ thuật (TITP). (Ảnh minh họa: internet)

Đỗ Thị Hằng, 23 tuổi, là một trong số đó. Tự tin với những kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy với nghề điều dưỡng, Hằng hy vọng một ngày nào đó sẽ được sang Nhật làm việc đúng với ngành nghề của mình thông qua Chương trình Học viên thực tập kỹ thuật (Technical Intern Training Program - TITP) - một chương trình cho phép lao động từ các nước đang phát triển sang Nhật làm việc theo hình thức đào tạo tại chỗ (hay đào tạo qua làm việc thực tế).

Hiện tại, Hằng đang làm thêm tại một nhà hàng, song song với đó cô cũng đang tự học thêm tiếng Nhật. Mặc dù bố mẹ muốn Hằng trở về quê nhà Vĩnh Phúc để lập gia đình, cô vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được sang làm việc ở xứ sở mặt trời mọc.

Trang Japan Times của Nhật cho biết, giai đoạn kể từ tháng 1 đến tháng 5/2016, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước có số lượng người tham gia chương trình TITP lớn nhất. TITP là chương trình được chính phủ Nhật Bản triển khai kể từ năm 1993, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực bằng việc thu hút hàng chục nghìn lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Thái Lan đến Nhật Bản để làm việc ở khoảng 70 ngành nghề.

Số liệu được cung cấp từ Cơ quan Hợp tác lao động quốc tế của Nhật Bản (JITCO) - đơn vị giám sát TITP, cho biết, trong giai đoạn 5 tháng kể trên, Việt Nam đã đưa 8.420 thực tập sinh sang Nhật làm việc theo TITP, trong khi con số này của Trung Quốc là 7.815 người.

Vào tháng 3/2015, chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm ngành điều dưỡng vào chương trình đào tạo để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã có đề án trình quốc hội thông qua việc điều chỉnh Luật Quản lý xuất nhập cảnh và công nhận tị nạn xã hội. Theo đó, cùng với việc điều chỉnh chế độ thực tập sinh, chính phủ Nhật Bản cho phép mở rộng ngành nghề tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động điều dưỡng.

Một trong những lý do để dẫn đến động thái này đó là sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề với TITP, bao gồm cả việc cung cấp chế độ bảo hiểm dành cho lao động giá rẻ được giới chỉ trích nhắc đến nhiều.

Những nhà phê bình cho rằng các chủ sử dụng lao động theo chương trình TITP đã cung cấp các điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt đối với lao động nhập cư. Một số khác còn bị cáo buộc hạn chế sự tự do của các thực tập sinh nước ngoài.

Khi được một văn phòng môi giới việc làm giới thiệu về TITP, lúc bấy giờ Hằng đang làm y tá tại một cơ sở y tế ở Vĩnh Phúc. Cô đã quyết định bỏ dở công việc giữa chừng để đăng ký một khóa học ở Hà Nội kể từ tháng 8/2015, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công việc được sắp xếp tại một trung tâm điều dưỡng dành cho người già ở Nara Prefecture, Nhật Bản. Dự kiến, Hằng sẽ bắt đầu làm việc ở trung tâm này từ tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, các thay đổi của TITP đã không được thông qua, thay vào đó, các nhà chức trách Nhật Bản đã ưu tiên thảo luận các vấn đề về an ninh quốc gia.

Nhận thấy ít có khả năng để hiện thực hóa mong muốn được làm điều dưỡng viên ở Nhật thông qua TITP, đồng thời cũng không thể dựa dẫm vào nguồn tài chính của gia đình để sang Nhật do bố mẹ cô đều là nông dân, Hằng quyết định học tiếp để lấy một chứng chỉ y tá nhằm sang Nhật thông qua một thỏa thuận về hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Theo thỏa thuận này, Nhật Bản sẽ tiếp nhận các lao động có chứng chỉ y tá và điều dưỡng đến từ các nước như Việt Nam, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, thỏa thuận này đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn về trình độ ngoại ngữ cũng như các đòi hỏi khác dành cho các ứng viên so với chương trình đào tạo TITP.

Hai người bạn của Hằng đã từ bỏ giấc mơ làm điều dưỡng viên và chấp nhận sang Nhật làm việc ở những lĩnh vực không liên quan như chế biến thực phẩm thông qua chương trình TITP.

Sau sự cố không mong muốn của chương trình thực tập sinh, Phạm Ánh Nguyệt, 22 tuổi, cũng có mong muốn được làm điều dưỡng viên ở Nhật Bản, quyết định tạm dừng khóa học điều dưỡng và đi làm tại một nhà hàng ở Hà Nội. Tuy vậy, Nguyệt cho biết, đây chỉ là công việc tạm thời trước cô bay sang Nhật vào thời gian tới.

Không thể đi theo TITP, Nguyệt quyết định sẽ tự mình sang Nhật để học tiếng và các kỹ năng trong nghề điều dưỡng.

Nguyệt cho biết, anh trai cô sẽ chu cấp cho cô khoảng 900.000 yên Nhật (gần 200 triệu đồng) để trang trải học phí trong năm đầu tiên và chi phí sinh hoạt trong 3 tháng đầu. “Tôi sẽ làm thêm trong thời gian rảnh rỗi, giống như các sinh viên khác, để có thu nhập chi trả cho các chi phí ở giai đoạn tiếp theo” - Nguyệt cho hay.

Hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam được cho là đã lên kế hoạch để tham gia vào chương trình thực tập sinh TITP, nhưng nhiều người đã từ bỏ kế hoạch do sự cố này, Japan Times cho hay.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết họ hy vọng các biện pháp sẽ được thông qua sớm nhất vào mùa thu năm nay.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Japan Times.

Chủ đề Tuyển dụng

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.