Phương tiện đi lại, sinh hoạt của người dân xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh trong ngày mưa lũ là chiếc bè được ghép bằng những cây chuối. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì.
Để chủ động phòng chống diễn biến phức tạp của mưa lũ tại các tỉnh, thành phố ven biển Trung Bộ hiện nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình khẩn trương kiểm tra các khu vực bị ngập lũ, chia cắt để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn; tổ chức hỗ trợ nước uống, lương thực, chăn màn và nhu yếu phẩm thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân bị đói, khát, rét.
Các tỉnh ven biển Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để chủ động các biện pháp ứng phó. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung Công điện 1925 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 34 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Sau cuộc họp này, hai đoàn công tác của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung sẽ được thành lập để kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và từ Thừa Thiên-Huế trở vào.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 1/11, mưa lũ đã làm 1 người mất tích; 5 người bị thương (Quảng Bình 4, Quảng Trị 1); 96 nhà bị hư hỏng, 20.495 nhà bị ngập (Hà Tĩnh 3.286 nhà, Quảng Bình 15.062 nhà, Quảng Trị 2.147 nhà). Riêng Quảng Bình có 35 điểm trường, 300 phòng học, 6 cơ sở y tế bị ngập nước.
Mưa lũ tại Quảng Bình làm 200 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 280 con gia súc, 3.000 con gia cầm bị cuốn trôi; 500 m đê bao bị xói lở, hư hỏng.
Tại Hà Tĩnh, các trục đường giao thông liên xã, huyện tại các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên; vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và hồ Sông Rác bị ngập 0,5-1m, có nơi bị ngập cục bộ 1-2 m gây ách tắc giao thông.
Tối 1/11, một số nơi nước bắt đầu rút, riêng huyện Hương Khê vẫn bị ngập sâu.
Tại Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh Km 945 đến Km 946 bị ngập sâu 0,3 m; các quốc lộ 12A, 15, 9B, các tỉnh lộ 558C, 559, 569 bị ngập 0,6-1m, có đoạn ngập cục bộ đến 2 m gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường giao thông tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bị ngập, sạt lở.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi, tính đến ngày 1/11, các hồ chứa ở khu vực miền Bắc đạt từ 70-90% dung tích thiết kế; các hồ khu vực Bắc Trung Bộ đạt từ 70-90 dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như Tây Trác 100%, Cống Khê 100%, Duồng Cốc 101%, Bỉnh Công 102 % (Thanh Hóa); Vực Mấu 101% (Nghệ An); Vực Trống 100%, Khe Cò 113% (Hà Tĩnh); Trung Thuần 100%, Tiên Lang 104% (Quảng Bình); Trung Chi 97%, Khe Mây 105% (Quảng Trị); Hoà Mỹ 98% (Thừa Thiên Huế).
Tại Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đã chứa đầy nước và có 6 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng sông Trí, Kim Sơn, Bộc Nguyên, Tàu Voi); tại Quảng Bình trung bình đạt trên 90% diện tích thiết kế, có 6/6 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Vực Tròn, Thác Chuối, Rào Đá, Phú Vinh, Phú Hoà, Sông Thai).
Các hồ chứa ở khu vực Nam Trung Bộ đạt 50-70% dung tích thiết kế; các hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đạt từ 70-90% dung tích thiết kế.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 159 hồ được cập nhật thông tin đến 6 giờ ngày 1/11, có 2 hồ chứa khu vực Trung Bộ (Hố Hô, A Lưới) và 8 hồ chứa khu vực Tây Nguyên (Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai, Đa Dâng 2, ĐakSrông, Ia Grai 3, Đăk Srông 3A, Đăc Sr ông 3B) đang xả tràn./.