Chuyện những người “chèo đò” (bài 3):
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Thạch Hà - khu vực trung tâm của huyện nhưng duyên nghề lại đưa thầy Trần Trọng Thưởng (SN 1979) về với mảnh đất Kỳ Tây xa xôi, gian khó. Căn phòng nội trú nhỏ gọn của khu tập thể GV là nơi sinh sống của cả gia đình thầy. Thầy Thưởng chia sẻ: Gần 12 năm gắn bó với cuộc sống vất vả, thiếu thốn của bà con nơi đây, những tình cảm nồng ấm của người dân, sự ngây thơ, ham học của học sinh (HS) khiến mình hiểu ra nhiều điều. Kỳ Tây đã trở thành một phần trong con người mình”.
Thầy giáo Trần Trọng Thưởng vinh dự được huyện Kỳ Anh đề cử danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2016.
Thời gian thầy mới về Kỳ Tây, do cuộc sống quá nghèo khó nên tỉ lệ HS bỏ học nhiều, thành tích của trường chưa có gì nổi bật. Làm sao khơi dậy được sự học luôn là nỗi trăn trở của thầy Thưởng và các GV trẻ khác khi về nhận công tác tại trường. “Muốn phụ huynh tin tưởng thì GV phải có chuyên môn cao. Chính vì vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp đã tích cực tham gia các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học, dạy theo chủ đề tích hợp... do huyện, tỉnh tổ chức. Ngoài việc giành được giải để gây dựng niềm tin của phụ huynh thì qua mỗi cuộc thi, chúng tôi còn trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm để truyền đạt cho các em một cách hấp dẫn, hiệu quả nhất” - thầy Thưởng cho biết.
Với năng lực chuyên môn vững vàng nên tại các cuộc thi GV dạy giỏi của huyện, tỉnh, thầy Thưởng đều đoạt giải cao. Thầy được trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đồng thời 2 đội tuyển môn Văn và Sử lớp 9 để tham dự các kỳ thi HS giỏi. Thầy chia sẻ: “Khi được giao nhiệm vụ, tôi rất lo vì một lúc phải đảm đương cả 2 đội tuyển. Tuy nhiên, với tâm niệm đây là cơ hội để mình phát huy năng lực, truyền niềm say mê học tập và ý chí phấn đấu khẳng định bản thân cho HS miền núi, tôi đã dồn sức cho nhiệm vụ này”.
Một kỷ niệm đáng nhớ mà thầy Thưởng xem là bài học quý cho cuộc đời dạy học của mình đó là vào năm học 2015-2016, do đội tuyển môn Văn thiếu HS nên thầy đã quyết định chuyển em Nguyễn Thị Hải Yến từ đội tuyển Sử sang. Tuy nhiên, Yến nhất quyết không đồng ý. Sau cuộc tranh luận khá gay gắt, thầy quyết định phải tôn trọng sự lựa chọn, niềm đam mê của Yến. Những ngày tiếp đó, thầy trò đã miệt mài ôn luyện và kết quả là kỳ thi HS giỏi năm học ấy, Yến đạt HS giỏi tỉnh môn Lịch sử. “Những kỷ niệm đáng nhớ như thế ngày càng làm đầy thêm trong tôi tình yêu con người, vùng quê nghèo khó và niềm say mê được tiếp sức cho thế hệ tương lai nơi đây” - thầy Thưởng tâm sự.
Nhiệt huyết của thầy giáo trẻ đã thắp lên ngọn lửa phấn đấu cho các đội tuyển HS giỏi. Nhiều năm qua, Trường THCS Kỳ Tây đã có những giải nhất, nhì HS giỏi cấp huyện và năm học nào cũng có HS giỏi cấp tỉnh. Trường đã vươn lên tốp đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Kết quả này đã tạo động lực để nhà trường triển khai những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Từ một trường luôn nằm trong tốp cuối của huyện, đến nay, Trường THCS Kỳ Tây đã xếp thứ 9 về chất lượng đại trà.
Với thành tích nổi bật đó, thầy Thưởng là người duy nhất của Trường THCS Kỳ Tây được huyện chọn vào đội ngũ GV bồi dưỡng HS giỏi của huyện tham gia các kỳ thi của tỉnh. Năm 2016, thầy vinh dự được huyện Kỳ Anh đề nghị xét tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với thầy Thưởng, thành công lớn nhất là niềm tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò. Niềm mong mỏi của thầy đó là HS ở vùng đất khó này được đến trường, có điều kiện tốt hơn để yên tâm học tập, không bị đè nặng bởi những lo toan trong cuộc sống.
“Đời sống của người dân nơi đây còn nghèo, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, giao thông đi lại khó khăn nên mong sao các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ để giúp bà con cải thiện thu nhập, có điều kiện đầu tư cho con em học tập, xây dựng tương lai. Đó là điều canh cánh không chỉ của riêng tôi mà của tất cả GV khi gánh vác sự nghiệp trồng người ở mảnh đất này” - thầy Thưởng bộc bạch.