Tối 1/7, tài xế L.D.A. (SN 1980, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển xe đầu kéo biển số 12H - 002.90 di chuyển trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh theo hướng Nam - Bắc. Vào lúc 22h50’, khi di chuyển tới đoạn qua thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), ô tô đầu kéo bất ngờ bị cháy ở phần gầm xe.
Phát hiện xe xảy ra sự cố, tài xế tấp xe vào bên đường, dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng không hiệu quả. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm thân xe.
Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Tĩnh) điều động xe chữa cháy đến hiện trường. Sau 10 phút, đám cháy đã được khống chế. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng xe container đã bị hư hỏng nặng.
Trước đó, vào chiều 21/6, một vụ cháy ô tô cũng xảy ra trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh. Cụ thể, sau khi sửa chữa xong ô tô hiệu Mazda3 màu trắng mang BKS 38A – 395.36, anh T.K.H. (SN 1998, kỹ thuật viên của một hãng xe ở Hà Tĩnh) đã điều khiển phương tiện chạy thử. Trên xe lúc này có thêm anh V.G.B. – tư vấn dịch vụ của hãng xe.
Khi đang di chuyển trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, anh H. phát hiện khói bốc lên từ đầu phương tiện nên đã dừng xe bên đường. 2 người cố gắng dùng bình cứu hỏa dập lửa nhưng bất thành. Ít phút sau, lửa bao trùm cả phần đầu phương tiện và chỉ được dập tắt với sự hỗ trợ từ lực lượng Cảnh sát PCCC.
Vụ cháy xe không gây thiệt hại về người nhưng khiến phần đầu phương tiện và nội thất bên trong bị lửa thiêu rụi.
Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra khá nhiều vụ cháy xe. Có thể điểm tên thêm một số vụ việc như cháy xe tải trên tỉnh lộ 554, thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc ngày 16/6; cháy xe ô tô con trên tuyến đường liên xã ở thôn Long Sơn, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ ngày 17/5 hay vụ cháy xe đầu kéo chở hoa quả ngày 18/2 trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.
Các vụ cháy xe không gây thương vong về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.
Theo xác định của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy xe nhưng nguyên nhân chính vẫn là xuất phát từ sự cố kỹ thuật của phương tiện (chập điện, quá tải nguồn điện) và sự chủ quan của chủ xe (đậu, đỗ xe ở những khu vực có nguồn nhiệt, không đưa phương tiện đi kiểm định kỹ thuật đúng thời hạn hoặc để các vật dễ bắt lửa trong xe).
Trong thời điểm Hà Tĩnh đang có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, sự cố cháy xe lại càng tiềm ẩn nguy cơ nên việc phòng ngừa cháy xe là điều hết sức cần thiết.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh, để hạn chế tối đa các sự cố cháy, nổ ô tô, điều cốt lõi vẫn nằm ở ý thức của chủ xe, tài xế trong quá trình vận hành phương tiện. Người dân không nên để các đồ vật có nguy cơ xảy ra cháy nổ (bật lửa, hóa chất, chai nước suối) ở trong xe, nhất là khi phương tiện thường xuyên đậu dưới trời nắng nóng.
Cần tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng xe định kỳ và thường xuyên kiểm tra xe để có thể phát hiện các dấu hiệu khác thường từ hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, thay thế các thiết bị hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo giúp cho xe ô tô luôn vận hành ổn định.
Hạn chế đậu, đỗ xe thời gian dài ở khu vực nắng nóng, trường hợp bất khả kháng nên sử dụng tấm che nắng kính lái hay phủ bạt để giảm nhiệt cho xe; sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.
Với trường hợp ô tô để trong nhà, nơi giữ xe, mọi người phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và đậu, đỗ ở xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Không độ, chế hay lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn. Trường hợp lắp thêm phải đảm bảo an toàn, không bị quá tải về điện.
Cẩn trọng khi di chuyển qua các khu vực phơi rơm, rạ, rác nilon bởi khi các vật này bám vào các bộ phận của xe, khi di chuyển có thể dẫn tới ma sát và phát sinh cháy.
Người dân cũng nên tự trang bị bình chữa cháy phù hợp với loại xe mình điều khiển để phòng trường hợp xảy ra sự cố, có thể chủ động xử lý.
Cách ứng phó khi xảy ra cháy, nổ xe ô tô:
Chủ xe, tài xế phải luôn cảnh giác để có thể phát hiện kịp thời lúc đám cháy vừa phát. Các dấu hiệu ban đầu khi mới phát sinh sự cố cháy nổ ô tô là mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay khói bốc lên từ gầm xe, nắp capô.
Trường hợp đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, hãy sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy.
Nếu đám cháy xuất hiện dưới nắp capô, hãy cẩn thận mở nắp capô (nếu được hãy dùng vật cứng nhọn để cậy hoặc đập thủng nắp capô) và sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hay phun vào nơi cháy to nhất, hoặc dùng các tấm phủ (chăn, mền tẩm nước nếu có) bao phủ lên ngọn lửa.
Mọi người cũng có thể sử dụng các vật liệu chữa cháy khác như đất, cát, nước để dập lửa nhưng tuyệt đối không được tiếp cận với ngọn lửa nếu quần áo, người bạn đang dính xăng dầu. Khi chữa cháy phải đứng ở đầu hướng gió để tránh bị lửa tạt vào người.
Nếu cảm nhận không thể dập được ngọn lửa, hãy tránh ra xa vì đám cháy có thể gây ra nổ bình xăng. Nhanh chóng hô hào sơ tán mọi người ra khỏi vùng nguy hiểm (phạm vi 10m tính từ đám cháy).
Trong thời gian đợi lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, hãy cố gắng sơ tán các phương tiện bên cạnh và kêu gọi sự trợ giúp của mọi người để chữa cháy và khống chế không để cháy lan.