Quán triệt chủ trương chung, huyện Lộc Hà đã có chương trình hành động xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh việc tập trung chăm lo xây dựng đạo đức, lối sống cao đẹp, tăng cường mối kết nối cộng đồng, vì sự phát triển của toàn xã hội.
Dòng họ Phan xã Thạch Bằng (Lộc Hà) đón bằng di tích cấp tỉnh |
Thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, huyện Lộc Hà đã không ngừng quan tâm đến công tác xây dựng gia đình văn hóa, đề cao việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng của người Việt. Mọi người, mọi nhà luôn nêu cao tinh thần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và nêu cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ, anh chị. Khắp làng trên, xóm dưới đều quan tâm xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình và xã hội, tạo sự gần gũi, gắn kết nghĩa tình làng xóm.
Trong cộng đồng, mọi người đều có ý thức chăm lo cho môi trường sống, cùng nhau chung tay bài trừ các thói hư tật xấu, các hủ tục lạc hậu, các tai nạn, tệ nạn xã hội. Vì vậy, trên địa bàn đã xây dựng được nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hầu hết các gia đình, thôn xóm, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học; 100% xã đã đưa vào quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn mỗi năm đã huy động nhiều tỷ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động có liên quan đến văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ với 100% xã đã hoàn thành quy hoạch đất dành cho xây dựng các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí, tất cả các xã đều có đường ô tô đến tận trung tâm, có bưu điện văn hóa và trung tâm học tập cộng đồng, 13/13 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường học đạt chuẩn ở các mức độ ngày một cao...
Hầu hết các thôn xóm đều đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, phục vụ tốt nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa của nhân dân, tiêu biểu như các thôn: Bằng Châu (Thạch Châu), Sơn Bằng, Liên Tân (Thạch Kim), Yên Bình, Khánh Yên (Thạch Bằng), Liên Tiến (Mai Phụ), Phù Ích (Ích Hậu) và nhiều đơn vị khác. Hệ thống truyền loa thanh từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đã góp phần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và phản ánh các hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, các sân vận động phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân cũng được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu năm 1998 toàn huyện mới chỉ có 15 sân cấp xã, 49 sân cấp thôn xóm thì đến nay đã có 26 sân chơi cấp xã và 133 sân ở thôn xóm, hầu hết đều được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Để góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng đã được các cấp, ngành triển khai sâu rộng và sôi nổi. Mỗi năm trên địa bàn đã tổ chức được hàng trăm hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng thu hút hàng chục ngàn người tham gia và cổ động.
Vào các ngày lễ tết, ngày truyền thống, các sự kiện trọng đại, các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học đều tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao. Nhiều đơn vị đã thành lập được Câu lạc bộ dân ca, đội văn nghệ, đội thể thao hoạt động hiệu quả. Đây không chỉ là món ăn tinh thần bổ ích mà còn góp phần thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân...