Những đám cưới “vượt đỉnh Giăng Màn” đang góp phần xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc Chứt.
Chuyện “xé rào”, phá vòng luẩn quẩn hôn nhân cận huyết của đồng bào dân tộc Chứt tưởng chừng là không thể, ấy vậy mà đang diễn ra ngay tại chính bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê). Hồ Thị Đình Mai sánh duyên cùng Lê Xuân Công; Hồ Thị Duyên kết hôn với Nguyễn Đình Nhân; Hồ Thị Đình Xuân đến làm dâu gia đình Võ Quốc Ánh. Những chàng trai dân tộc Kinh đã dám vượt qua mọi định kiến, mặc cảm, những trăn trở, âu lo của người thân để xây đắp hạnh phúc cùng những cô gái dân tộc Chứt. Những ngày đó, Rào Tre nhộn nhịp, đông vui hơn cả ngày Tết Lấp lỗ, Tết Chăm cha bới. Những cuộc hội ngộ mà quan viên 2 họ của cả 2 dân tộc Kinh và Chứt cùng ngồi trong một hôn trường. Những đám cưới thắm tình quân dân, nặng nghĩa đồng bào…
Khác với nhiều năm trước, người Chứt giờ đây đã biết căn nguyên nhiều chuyện ở bản không phải do con ma rừng, không phải do Giàng bắt tội. Trai bản vào rừng, gái bản lên nương, họ biết lối, biết đường để gửi con mắt, đặt hướng nhìn. Vậy mà, đâu đã hết nỗi lo. Với 40 hộ, 142 nhân khẩu, trong độ tuổi kết hôn của người Chứt cứ 14 nam thì chỉ có 1 nữ, chênh lệch giới tính đang ở mức báo động. Trong khi đó, nỗ lực kiếm vợ người Kinh cũng không dễ dàng. Dù cái bụng có ưng thì cái miệng cũng khó mở lời.
Từ những mối lương duyên của các con, gia đình ông Hồ Bắc và những thông gia người Kinh đã trở nên gần gũi, thân thiết.
Vì thế, chuyện anh Hồ Nghĩa quyết định mang trầu vượt bản, sang đất Tuyên Hóa (Quảng Bình) hỏi vợ sau một chuyến đi rừng hàng tháng trời cứ như một đại sự kiện của bản. Cô gái Hồ Thị Kham trở thành cô dâu đầu tiên của xứ lạ về làm dâu dưới chân núi Ka Đay. Hạnh phúc vượt rừng của Nghĩa thành động lực mới cho nhiều chàng trai bản. Vì thế, nói như ông Đinh Văn Bắc – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa): “Hạnh phúc này, hơn hết còn là cuộc kết giao vùng miền, là sự mở đầu để tiếp nối… nhằm bảo tồn và phát triển mọi mặt đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn…”.
Với vợ chồng Mai - Công, cậu con trai gần 2 tuổi luôn là niềm vui vô bờ của họ. Là bộ đội xuất ngũ, quê tận xã Phúc Đồng, thế nhưng, sau khi lấy Mai, người bố trẻ ấy quyết định ở lại với bản Rào Tre. Bà Lê Thị Thành (mẹ Công) - một cán bộ hưu trí tại xã Phúc Đồng, vì thương con nên đã quyết định chuyển nhà từ dưới xuôi lên, chăm cháu và giúp các con tạo lập cuộc sống mới. Tình thương của mẹ là vô bờ. Dường như, trong đó, còn có cả sự đồng cảm và mơ ước về những điều tốt đẹp cho đồng bào dân tộc của người mẹ Kinh này…
Nằm lưng chừng bản là gia đình luôn đầy tiếng cười của ông bà Hồ Bắc – Hồ Lĩnh. Đã mấy mùa rẫy đi qua, kể từ khi nhà ông có một rồi đến 3 chàng rể đều là người Kinh, từ chỗ chỉ biết nghiện thuốc và say xỉn, bây giờ, ông Hồ Bắc là một trong rất ít hộ có thể tự túc lương thực quanh năm. Với sự nhanh nhạy, cảm thông và thấu hiểu với đời sống đồng bào dân tộc, bằng tình yêu với các con gái ông, những chàng rể ấy luôn đồng hành trong mỗi kế hoạch làm ăn của bố vợ… Dẫu cuộc chuyện trò đôi khi chưa tròn vành rõ chữ, nhưng sự bất đồng ngôn ngữ đã được giải quyết bằng tình yêu thương. Ông hiểu hơn ai hết những giá trị mới hôm nay mình có được: “Rất vui mừng vì có con rể là người Kinh bên ta, nó về, nhà cửa sạch sẽ hẳn, nó có con, có cháu, em càng thích, càng vui...”.
Hạnh phúc bình dị.
Ngày mới bắt đầu với nhiều gam màu sáng dưới chân núi Giăng Màn. Những người lính biên phòng vẫn đang miệt mài với việc hiện thực hóa những giấc mơ cho người Mã Liềng. Họ lặng lẽ vun đắp, đồng hành với việc gieo mầm hạnh phúc, tìm lối ra cho thực trạng hôn nhân cận huyết của đồng bào Chứt. Bắt đầu từ việc triển khai Đề án 2571 của UBND tỉnh về bảo tồn và phát triển mọi mặt của dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh, đến lúc này là cả một quá trình. Theo Trung tá Dương Thanh Tịnh – Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt Đồn Biên phòng Bản Giàng thì: “Hiểu, thương và đồng hành để nuôi dưỡng khát vọng cho bà con dân tộc, chúng tôi luôn gắng “nghe đồng bào nói” và “nói đồng bào nghe”. Không phải ngẫu nhiên mà bà con hiểu được “hôn nhân cận huyết thống” là một hủ tục. Tổ cắm bản “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) Rào Tre, người thầy giáo quân hàm xanh, bác sỹ quân hàm xanh... vô số vai trò với những việc không tên, với đồng bào dân tộc đều phải cầm tay chỉ việc.
Đại tá Trần Ngọc Thanh – Chính ủy Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chia sẻ: Gian nan với chuyện xe duyên, làm ông tơ, bà nguyệt, khó trăm bề; phải một vai hai gánh: vừa nhà trai, vừa nhà gái, vừa làm cha, vừa làm mẹ từ ngày đầu dạm ngõ đến lễ thành hôn. Từ lễ lạt, xe cộ, rồi kiêm luôn việc xin dâu và phát biểu trước hôn trường… bộ đội biên phòng giữ luôn vai trò cầu nối thông gia, cầu nối từ trái tim đến trái tim. Vấn đề bây giờ là phải làm thế nào để chính bản thân đồng bào dân tộc phải vượt qua được bờ rào tưởng tượng trong chính con người họ. Họ phải đi ra, phải giao lưu. Không thể quẩn quanh trong cái không gian của làng, của bản được…
Với những cô gái dân tộc Chứt, bước ra làm dâu, lần đầu tiên sống cùng nhà với người Kinh là cả một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Đó cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển trong quá trình hòa nhập cộng đồng của họ. Có bỡ ngỡ, âu lo, nhưng cũng rất đỗi chân thành và đầy cầu thị… Và những gia đình người Kinh ở đây đã đón nhận các con bằng một tình yêu thương tròn đầy. Tất cả vì sự gắn kết yêu thương, mối đoàn kết cộng đồng, vì sự phát triển vững bền của bà con.
Như những mầm non đang lên. Vun đắp, xe duyên đã khó, nhưng giữ được hạnh phúc cho các em sẽ còn vất vả hơn nhiều. Các anh – những người lính biên phòng lại ngày đêm trăn trở với nỗi lo tạo sinh kế bền vững cho các cặp đôi sau này. Những ngôi nhà mới vừa mọc lên, thêm những mô hình chăn nuôi mới được hỗ trợ, được ưu tiên vay vốn, những dự án sản xuất sẽ được đầu tư nhằm tiếp thêm nghị lực cho những gia đình trẻ phấn đấu vươn lên…
Tiếng ầu ơ thêm ngọt ngào. Lời ru sẽ bay cao, vượt đỉnh Giăng Màn.