Chiều ngày 23/7, Quốc hội thảo luận ở tổ đại biểu về về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng tổ thảo luận với tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hải Phòng. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng cùng dự thảo luận tổ.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá, qua 10 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân; có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 12,4% so với chỉ tiêu đề ra; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm.
Việc tiếp tục triển khai chương trình là cần thiết nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các đại biểu cho rằng, chương trình đã phát huy hiệu quả tốt. Việc tiếp tục triển khai chương trình là giải pháp quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thảo luận tại tổ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá những kết quả ấn tượng đạt được 2 chương trình trong giai đoạn vừa qua.
Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Trưởng đoàn đề nghị bổ sung 2 chủ thể phối hợp thực hiện đề án là Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Chính sách xã hội; xem xét tách nhóm đối tượng hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội ra khỏi mục tiêu giảm nghèo để đảm bảo tính khả thi của chương trình. Cùng với ngân sách nhà nước, cần tăng cường nguồn lực xã hội hóa, trong đó cần tháo gỡ vướng mắc quy định pháp luật trong công tác từ thiện, an sinh xã hội; mở rộng đối tượng chính sách hỗ trợ lao động vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài.
Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia chia sẻ thêm những kết quả, kinh nghiệm thực hiện Chương trình tại Hà Tĩnh.
Để triển khai hiệu quả giai đoạn mới, Đại biểu đề nghị bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các tiêu chí cứng cần quan tâm nhiều hơn đến sinh kế, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, tập trung nâng cao thu nhập của Nhân dân; đầu tư chuyển đổi mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiêp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Xu thế nhiều thanh niên sau khi học tập, nghiên cứu đã quay về nông thôn, ứng dụng khoa học, đầu tư làm trang trại là dấu hiệu tích cực, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ; cần sớm có quy hoạch, kế hoạch trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để triển khai đồng bộ với xây dựng nông thôn mới, tránh lãng phí.
Cho rằng, chương trình mới chỉ phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn quốc là chưa đáp ứng yêu cầu trong cả giai đoạn 2021-2025, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách đảm bảo, đồng thời lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất với ý kiến phát biểu của đại biểu các Đoàn và ghi nhận những hiệu quả mà các chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Hiện nay, 2 chương trình mục tiêu quốc gia có các nhóm đối tượng khác nhau, nhưng quá trình triển khai thực hiện phải gắn kết, lồng ghép các nhóm đối tượng này, nhất là những vùng khó khăn.
Về công tác giảm nghèo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giai đoạn tới thì cần hỗ trợ phân chia theo địa bàn và đối tượng, trong đó tập trung những địa bàn trọng điểm và thống nhất rà soát những đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo thì chuyển sang gói an sinh xã hội phù hợp; đồng thời, cần bố trí sắp xếp lại dân cư, tạo sinh kế và quan trọng nhất là tăng thu nhập cho người dân.
Về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nhiều tỉnh đã rất chủ động, có cách làm sáng tạo như Hà Tĩnh với với mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chương trình cần bám sát quan điểm xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể. Lưu ý xây dựng nông thôn mới phải gắn với quá trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới ở cả cấp thôn bản, phù hợp với điều kiện phát triển.
Chú trọng đảm bảo nước sạch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, tăng cường nguồn lực hỗ trợ những địa phương làm thí điểm và những địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chương trình.