Lòng tự trọng không cho phép tôi ăn bám dù mình khuyết tật!

(Baohatinh.vn) - Nếu bạn sinh ra không may mắn, bị khuyết tật về cơ thể thì hãy nghĩ rằng, đó chỉ là một bất lợi nhỏ để bạn nỗ lực hơn những người bình thường.

Tôi là người khuyết tật nặng, bị nhiễm chất độc màu da cam từ ông nội, chân tay loèo khoèo, phát âm không rõ, gằn từng chữ một. Tôi phải dựa vào chiếc xe 3 bánh để đi lại.

long tu trong khong cho phep toi an bam du minh khuyet tat

Tác giả Lê Thái Bình (thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) miệt mài làm việc trên máy tính.

12 tuổi, tôi mới chập chững những bước đi đầu đời và cắp sách tới trường. Đến lớp 6, tôi phải nghỉ học vì sức khỏe quá yếu. Tuổi thơ của tôi trôi qua là những tháng ngày vật lộn với nỗi đau bệnh tật, đầy ắp đau thương và buồn tủi. Nhìn lũ bạn cùng trang lứa tất bật với công việc, đứa vào đại học, đứa đi nước ngoài, đều bị cuốn vào vòng xoáy công việc, lo toan, tôi thường đùa mà nói rằng, số mình hóa ra lại sướng, chẳng phải chịu sức ép từ bất kỳ điều gì, làm được thì làm, không làm được thì thôi.

Nhưng kỳ thực, đó là lời nói dối. Trong tôi luôn đau đáu câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Tôi phải làm sao để thay đổi cuộc đời mình và sống bình đẳng như người bình thường? Chẳng lẽ suốt đời tôi chỉ dựa vào khuyết tật để làm bình phong cho sự kém cỏi của bản thân?...

Anh Lê Thái Bình:

Lòng tự trọng không cho phép tôi ăn bám mãi vào người khác dù tôi khuyết tật. Lòng tự trọng không cho phép tôi trở thành người ngu dốt dù tôi có thể ỷ vào việc quanh năm chỉ làm bạn với 4 bức tường. Lòng tự trọng càng không cho phép tôi biến mình thành một kẻ đáng thương để được người khác thương hại.

Bài toán đầu tiên hóc búa nhất và cũng là nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi là làm gì để có thu nhập. Nhiều đáp án cùng xuất hiện trong đầu như chăn bò, bán hàng tạp hóa, sửa chữa điện thoại, máy tính… nhưng việc nào cũng đòi hỏi phải mất thời gian học nghề, tập luyện ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Rồi cuộc sống đã mỉm cười khi có người giới thiệu tôi vào Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Hà Tĩnh. Đó cũng là cơ hội, chính xác hơn, là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Ở đó, tôi đã học tin học và theo đuổi nghề.

Kết thúc khóa học, tôi quyết định xin vào làm việc ở quán “net” của một người quen. Được ngồi với máy tính kết nối internet, thật sung sướng. Có thời gian rảnh, tôi thường lên mạng tìm tòi, học hỏi mà kiến thức trên mạng khổng lồ quá. Với ước mơ mở một cơ sở riêng, tôi quyết định phải học bài bản. Thế là vào những buổi trưa vắng khách, tôi ngồi lạch cạch bên máy tính. Trước hết là tập gõ bằng 10 đầu ngón tay, tập soạn thảo văn bản, sau đó, tập thiết kế giáo án bằng powerpoint, elerning rồi nâng cao hơn là tự tạo những website, diễn đàn kết nối với mọi người, tập làm video, ghép ảnh, tạo ảnh động. Cứ nghĩ ra cái gì hay là tôi lại muốn thử. Chẳng thể nhớ hết bao nhiêu buổi trưa âm thầm, cặm cụi như thế, giờ tôi đã nhận được phần thưởng lớn lao, đó là những video đẹp lung linh, chỉnh sửa, thiết kế hộ giáo án điện tử cho bạn.

Khi tôi quyết định mở quán “net” nơi quê nhà, khó khăn lại ập đến. Không dễ dàng gì về vốn và sự dị nghị của người dân xung quanh. Họ nghĩ mở quán “net” là kéo bọn trẻ tiếp xúc với cái xấu. Cũng may, nhờ sự quyết tâm của tôi và sự ủng hộ của bố mẹ mà tôi đã chọn con đường đúng. Với vốn kiến thức đã học, tôi sửa chữa được một số lỗi máy vi tính. Thỉnh thoảng có bọn trẻ đến học, tôi tỉ mỉ dạy chúng.

Sau khi đã tạm ổn với những kỹ năng về máy tính, tôi phát hiện ra niềm đam mê viết lách ẩn sâu trong mình. Ngày học tiểu học, mình viết văn khá, hay được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Lại những đêm dài không ngủ, vò đầu, bứt tai tìm câu, tìm ý… Có tập viết mới thấy sao mà khó đến thế, đọc của người khác thì dễ, lúc tự viết ra thì không sao viết nổi, lời lẽ cứ như bị ai đó chặn lại, mọi ý tưởng đều vấp phải rào cản hạn chế về vốn từ. Nhờ sự kiên trì, cuối cùng tôi cũng có những bài báo, tản văn được đăng tải.

Khi đã có công việc nuôi sống được bản thân, tôi lại khát khao đến với những người đồng cảnh, chia sẻ và giúp đỡ họ vượt qua mặc cảm. Chợt nhớ, hồi bé, các anh chị sinh viên tình nguyện thường xuyên đến thăm, mang đến tình yêu thương, sự đồng cảm và chia sẻ. Trong tôi luôn cảm phục những con người làm thiện nguyện. Từ đó, tôi có khao khát cháy bỏng sau này được một lần khoác chiếc áo màu xanh để hòa mình vào đội quân tình nguyện giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Mong mỏi của tôi như được chắp cánh, khi trên mạng xã hội có rất nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng…

Hiện nay, quỹ thời gian của tôi khá bận rộn và có ích như bất cứ một người khỏe mạnh nào: Kinh doanh, dạy tin học cho bọn trẻ, tranh thủ những lúc rảnh rỗi viết bài gửi báo, làm video tặng bạn bè, người thân, thứ 7, chủ nhật lại chuẩn bị cho chuyến thiện nguyện đến với những mảnh đời bất hạnh. Mỗi ngày mới là một ngày tôi lên kế hoạch cho mình để làm tốt nhất mọi việc. Cuộc đời tôi là bài luận văn có mở bài không hoàn hảo, nhưng tôi luôn cố gắng hết mình để viết hết bài luận văn cho cuộc đời và để tìm thấy hạnh phúc trong những bài văn mình viết.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.