Lớp học của Đại sư Quy Lão

(Baohatinh.vn) - Câu chuyện này được kể từ lâu lắm rồi, không biết bắt đầu từ bao giờ nhưng người kể chuyện này ngày hôm nay là hậu duệ thứ 10 hay 100 gì đó trong xứ sở của khu rừng có tên Thanh Bình. Chỉ biết, ai khi kể câu chuyện này đều phải bắt đầu từ câu… ngày xửa ngày xưa.

Lớp học của Đại sư Quy Lão

Lớp học của Đại sư Quy lão có tên là Trưởng Thành, có những con vật lớn như Hổ, Gấu, Voi, khỉ. Minh họa Internet

Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng có tên là Thanh Bình, mọi vật sống với nhau rất hòa thuận. Khu rừng được bao bọc bởi một dãy núi bao quanh đầy dốc cao dựng đứng và thác nước giăng từ đỉnh núi ào ạt băng thẳng xuống mặt đất dốc như một mũi tên thẳng đứng, rồi từ đó túa ra theo hàng trăm con suối nhỏ róc rách hiền hòa len lỏi chảy trong rừng cây xanh thẫm.

Ngay dưới chân thác nước, nếu tinh mắt, bạn sẽ thấy một tấm biển đề tên một lớp học khá đặc biệt. Lớp học của Đại sư Quy Lão. Tấm biển nhỏ thôi, nhưng rất đông học trò đủ loài tham dự. Từ Ong, Kiến bé nhỏ đến Hổ, Gấu, Voi to lớn và cả các loài chim nữa. Bởi lẽ, ai ai cũng muốn trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể tồn tại trong cuộc sống theo cách của loài. Lớp học có tên là Trưởng Thành.

Hôm trước, ngay khi cho lũ học trò ra về nghỉ đông, Đại sư Quy Lão ngồi trên một phiến đá to bằng phẳng màu trắng trầm ngâm nghĩ ngợi về đề tài của buổi xemina sắp tới. Quy Lão hết giương đôi kính trắng nhìn lên trời rồi lại nhìn xuống đất. Trời đã vào tiết Lập đông, cây cối trong rừng đều ủ dột một màu vàng pha sắc đỏ. Những búi cỏ ngẩn ngơ buồn trong tiết hanh heo se lạnh.

Lớp học của Đại sư Quy Lão

Trong lớp học có những chú ong bé nhỏ. Minh họa Internet

Quy Lão chợt nghĩ đến sự tồn tại của muôn loài. Đến thế hệ kế cận, làm sao để lũ học trò khi trưởng thành có thể tự mình đảm đương được công việc của những người đi trước để lại mà không còn bỡ ngỡ. Trong không gian im ắng đậm đặc chất thiền ấy, trông Quy Lão như một nhà hiền triết kỳ tài với khuôn mặt già nua đầy thế sự gật gật đầu ra vẻ hài lòng với ý tưởng mới của mình. Một lúc, Quy Lão nói:

- Các con hãy về nhà suy nghĩ cho ta xem, làm thế nào để trở thành một thủ lĩnh? Lũ học trò muôn loài đang yên ắng, bỗng chốc rộ lên: ồ, à vang vọng cả một góc rừng. Rồi ai về nhà nấy.

Trên đường về nhà, chúng không thôi bàn tán xôn xao: Ong nói:

- Là thủ lĩnh tất nhiên phải là người chăm chỉ

- Cũng phải là người hiền lành - Gấu nói

- Cũng phải là người thông minh - Khỉ nói

- Cũng phải là người có sức mạnh phi thường - Voi nói.

- … Bàn tán râm ran, râm ran. Chỉ có Hổ con là im lặng. Cậu biết mọi người đều nói đúng. Hổ con băn khoăn lắm. Khỉ rất thông minh và nhanh nhẹn, lại có thể trèo leo từ cây này sang cây khác đố loài nào sánh kịp. Gấu lại rất hiền lành, gần gũi nên ai ai cũng quý. Voi có sức mạnh vô biên, có thể kéo những cây gỗ to sừng sững và Đại Bàng có đôi cánh dang rộng kiêu hãnh phủ kín cả một góc trời.

Mỗi loài một thế mạnh, ai cũng có đủ điều kiện để có thể trở thành một thủ lĩnh. Băn khoăn. Băn khoăn. Đang mải mê suy nghĩ, Hổ con chợt nghe thấy tiếng kêu thất thanh của Thỏ. Cậu giật mình, trong làn nước đục ngầu trắng xóa, Thỏ con đang đuối sức vật lộn. Hổ con lao chạy theo bạn an ủi:

- Cậu cố gắng nhé, tớ sẽ đi tìm Khỉ con, Khỉ con sẽ thả dây giúp cậu, Hổ con nói rồi lao đi tìm Khỉ. Không hiểu sao trong lúc ấy, cậu nghĩ chỉ có Khỉ mới là người có thể giúp Thỏ qua cơn nguy hiểm. Khi Thỏ con được Khỉ đu dây ra giữa dòng cứu. Hổ nhìn Khỉ khâm phục. Cậu nghĩ chắc chắn, Khỉ con sẽ là một thủ lĩnh giỏi.Hổ lại tiếp tục đi.

Lớp học của Đại sư Quy Lão

Những chú kiến bé nhỏ cũng được tham gia bàn luận xem ai xứng đáng là thủ lĩnh. Minh họa Internet

Khi băng qua một dải đất khô hạn giữa đồng cỏ vàng xơ xác, Hổ con lại tình cờ trông thấy một Cây Non đang héo rũ. Hai mầm cây vừa mới tách vỏ rũ xuống trông tội nghiệp. Hổ con băn khoăn một lúc rồi chạy đi tìm Voi con. Cậu nghĩ chỉ có Voi con mới có thể mang nước đi đến một quãng xa như thế này để tưới cho Cây Non được.

Được Voi con tưới, Cây Con lấy làm cảm kích, hai mầm lá khẽ rung rinh cười cười cảm ơn Voi con nhiều lắm. Hổ con lại tiếp tục đi, lại tiếp tục gặp những người bạn của mình và thấy được những hành động tuyệt vời của họ. Hổ con lại suy nghĩ, cậu tự nhận thấy ai cũng xứng đáng để có thể trở thành thủ lĩnh.

Rồi ngày đi học cũng đến. Muôn loài tập trung ngay ở cửa rừng. Vừa đi vừa bàn tán râm ran, râm ran. Mấy ngày này, trời thường đổ mưa, con đường đất lầy lội và trơn trượt như đổ mỡ. Các bạn nối đuôi nhau cùng đi. Bỗng mọi người ngỡ ngàng, trước mắt là một con suối lớn, nước dềnh dàng chảy. Không thấy chiếc cầu hôm nào đâu cả. Ai nấy nhìn nhau băn khoăn. Voi con lê từng bước nặng lún sâu trong đất bùn nhão nhoét hết quay đi rồi quay lại thì thầm:

- Hay nhỉ, hay chúng mình lạc đường?

- Lạc là lạc thế nào - các loài đồng thanh

- Chúng mình mới nghỉ học có ít bữa, làm sao quên đường được.

- Ừ nhỉ! - lại băn khoăn - cây cầu đâu ấy nhỉ? Hổ con nghe thấy thế liền chạy đến một gốc cây to nhìn ra xa. Cậu muốn có được câu trả lời chính xác nhất để các bạn khỏi lo lắng. Hổ con nhanh nhẹn tách khỏi các bạn, rướn mình nhìn ra xa rồi cười thầm một mình. Thì ra chiếc cầu đã bị nước cuốn trôi đằng kia mất rồi. Nếu không nhanh tay thì sẽ muộn học mất. Hổ con gọi to:

- Khỉ con, cậu đi nhanh kiếm một đoạn dây thừng thật chắc vào nhé.

- Làm gì, làm gì?

- Khỉ con hỏi lại. Tất cả các loài đều hỏi lại.

- Cây cầu bị trôi đằng kia mất rồi. Trong khi chờ Khỉ con kiếm được dây, các bạn hãy đi xuôi về phía cuối con suối nhé, chỗ chiếc cầu ấy. Chúng ta sẽ thả dây xuống nước và cùng nhau kéo cây cầu về vị trí cũ. Cả lớp nhất trí làm theo lời Hổ con.

- Còn tớ - Đại bàng bay đến ngay sau đó.

- Trời đang mưa, cậu hãy giương đôi cánh rộng che cho chúng mình khỏi ướt nhé - Đúng đấy - cả lớp đồng thanh - nào bắt tay làm nào. Một hai... một hai… Hì hục mãi cả lớp mới kéo được cây cầu vào vị trí cũ, níu chắc vào những thân cây mập mạp ven đường thế là xong. Nhìn ai cũng mệt nhưng đầy niềm vui, rồi không ai bảo ai, tất cả cùng nhau đến lớp.

Lớp học của Đại sư Quy Lão

Cuối cùng hổ con được Đại sư Quy Lão chọn là thủ lĩnh. Minh họa Internet

- Đại sư Quy Lão cũng vừa mới đến. Dưới cái mai rùa nặng trịch ướt đầm nước mưa, Quy Lão nặng nề chống gậy nhích từng bước nhỏ lên phiến đá màu trắng ở giữa lớp học. Sửa lại gọng kính, Quy Lão nói:

- Trước hết ta có lời khen các con đã cùng nhau đoàn kết để bắc lại cây cầu đến lớp.

- Vâng ạ - cả lớp đồng thanh.

- Trong số các con, ai giỏi nhất? Trước câu hỏi đột ngột của Quy Lão. Cả lớp đột nhiên im lặng. Không ai nói ra được ai là người giỏi nhất. Ai cũng nghĩ mình không thể nào giỏi nhất được, các bạn đều đã cố gắng hết sức. Hổ con lặng im cúi mặt nhìn xuống đất.

- Tất cả các bạn đều làm được điều tốt, chỉ riêng cậu. Cậu không cứu được Thỏ con, không tưới được cho Cây non, không kiếm được dây nhanh như Khỉ và không có đôi cánh rộng che mưa cho các bạn như Đại Bàng. Đại sư Quy Lão xóa tan không khí im lặng bằng một tràng cười mãn nguyện:

- Tất cả các con, ai cũng có thể trở thành thủ lĩnh. Cả lớp xôn xao, xôn xao.

- Nhưng - Quy Lão nói tiếp - người xứng đáng nhất lúc này là Hổ con các con ạ. Hổ con nóng bừng cả mặt ấp úng:

- Nhưng, nhưng con không làm được điều gì cả, tất cả là nhờ công các bạn!

- Hổ con băn khoăn thực sự.

- Ha, ha - Quy Lão cười lớn - không một ai trên đời này là hoàn hảo cả. Một người thủ lĩnh cũng thế; con không nhanh nhẹn như Khỉ, không có sức mạnh như Voi, không có đôi cánh rộng như Đại Bàng nhưng con biết các bạn đó có thế mạnh riêng của mình và khi cần có thể kết hợp những sức mạnh của các bạn lại làm một để làm việc lớn. Một thủ lĩnh cần phải như thế các con ạ.

- À ra thế - cả lớp lại xôn xao - bây giờ thì chúng con đã hiểu.

Lớp học lại bắt đầu với những bài học khác. Thời gian thấm thoắt trôi đi. Mùa đông giá rét chạy vụt qua những đám lau sậy nhường chỗ cho mùa xuân xinh đẹp đã về. Thêm một tuổi, thêm một năm mới, thêm một niềm vui. Lớp học Trưởng Thành ngập tràn trong hương hoa cỏ ngày xuân rộn rã. Ai ai cũng vui mừng khi đón chào năm mới. Chỉ riêng Quy Lão hóm hỉnh cười nghĩ đến một đêm mưa gió ngày nào loay hoay một mình tháo chiếc dây buộc cây cầu bắc qua con suối, dẫu biết ngày mai, buổi học mới đã bắt đầu.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.