“Lịch sử” bởi chỉ có 1 bị cáo nhưng có đến 4 luật sư bào chữa và các luật sư đều không đồng nhất với cáo trạng, quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Thậm chí, các luật sư cho rằng: Bị cáo không phạm vào các tội danh “Cướp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh mở phiên tòa lưu động xét xử Đặng Văn Hiếu và đồng bọn phạm tội trộm cắp tài sản tại UBND xã Thạch Hạ.
Thời gian tranh tụng tại phiên tòa liên tục kéo dài, những chứng lý luận tội được kiểm sát viên giữ quyền công tố đưa ra để chứng minh, phản bác quan điểm gỡ tội của luật sư. Nhiều lúc, lý lẽ đối đáp giữa các bên lên đến cao trào, ai cũng viện dẫn đầy đủ các quy định pháp lý để bảo vệ quan điểm của mình.
Thẩm phán Trần Đức Chính - Chủ tọa phiên tòa này cho biết: Đây là một trong những phiên tòa có phần tranh tụng “căng” nhất từ trước đến nay. Trước và trong thời gian xét xử, thẩm phán, các vị hội thẩm nhân dân liên tục trao đổi, xem xét, thẩm tra chứng cứ, tài liệu rất kỹ. Đồng thời, lắng nghe, nắm bắt đầy đủ các ý kiến tranh tụng tại phiên tòa. Nhờ đó, hội đồng xét xử đã đưa ra được bản án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, được dư luận đồng tình.
Không chỉ với vụ án này, thời gian qua, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa luôn được TAND thành phố tổ chức chất lượng, hiệu quả. Thông qua tranh tụng, qua nghe ý kiến đối đáp của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, hội đồng xét xử xác định bản chất của vụ án, đưa ra bản án đúng đắn, đầy đủ, khách quan và đúng pháp luật.
Điển hình như trong phiên tòa xét xử Nguyễn Văn B. ở phường Đại Nài phạm tội “Cướp tài sản”. Mặc dù bị cáo và luật sư đều không đồng ý với tội danh như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, nhưng dưới sự điều hành của chủ tọa, phần tranh tụng tại phiên tòa đã làm rõ bản chất của vụ án và bản án đưa ra được những người tham gia tố tụng “tâm phục, khẩu phục”.
Trong năm, TAND thành phố đã thụ lý 286 vụ, việc; giải quyết 281 vụ, việc, đạt 98,2%. Các vụ án được đưa ra xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Điều đáng nói là, đơn vị đã phối hợp tổ chức 10 phiên tòa lưu động tại các phường, xã: Tân Giang, Thạch Hạ, Đại Nài, Thạch Quý, Nam Hà, Bắc Hà... Thông qua thủ tục tại phiên tòa, việc tranh luận, đối đáp giữa các bên tham gia tố tụng đã giúp cho những người tham dự phiên tòa có cái nhìn thấu đáo hơn về bản chất và các quy định pháp luật, góp phần phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Chánh án TAND thành phố Phan Thị Nguyệt Thu cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đơn vị đã áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Để điều khiển việc tranh tụng đạt kết quả, đòi hỏi chủ tọa phiên tòa phải là người nắm chắc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; đọc kỹ hồ sơ vụ án; dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và chủ động tìm biện pháp giải quyết. Bên cạnh đó, thẩm phán còn phải rèn luyện kỹ năng xét xử, thường xuyên trau dồi trình độ, năng lực, điều hành tranh tụng thật sự khách quan để làm sáng tỏ vụ án và đưa ra phán quyết đúng pháp luật.