Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 610 cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thu hút hơn 42.444 lượt người tham gia.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác tham mưu và những người có thẩm quyền xử phạt. Từ tháng 7/2012, toàn tỉnh tổ chức 216 cuộc tập huấn cho 123.746 cán bộ, công chức.
5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 315.849 vụ vi phạm; ban hành 319.584 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 320.515 đối tượng.
Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng: Việc tổ chức thực hiện Luật xử lý VPHC năm 2012 còn khó khăn xuất phát từ các quy định của văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bên cạnh đó, một số nội dung trong Nghị định 121 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động chưa có các điều khoản để xử phạt
Từ khi Luật ra đời đã có tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH, quản lý hành chính, an ninh trật tự an toàn xã hội của địa phương; giúp người dân hiểu rõ hơn về hành vi vi phạm hành chính; tạo điều kiện cho DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế của tỉnh nhà.
Việc quy định trình tự thủ tục, thẩm quyền trong xử lý VPHC chặt chẽ, rõ ràng đã khắc phục những sai sót trong quá trình áp dụng Luật, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Đại diện Cục Hải quan Hà Tĩnh: Đơn vị đã tăng cường hoạt động để phát triển quan hệ đối tác Hải quan = doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp pháp của DN nhưng một số DN không hưởng ứng tích cực. Ngoài ra, trình độ cư dân biên giới và các vùng lân cận còn hạn chế nên việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Đối với hoạt động quản lý Nhà nước, Luật xử lý VPHC đã quy định toàn diện, đầy đủ trên tinh thần đổi mới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực sự của công tác quản lý thi hành pháp luật. Đây cũng là nhân tố quan trọng đảm bảo thực thi pháp luật xử lý VPHC nghiêm túc, thống nhấy, chính xác, hiệu quả, đảm bảo đầy đủ các quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng làm rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thi hành Luật như: Việc phân định mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và môi trường giữa pháp luật hành chính và hình sự chưa tương thích dẫn tới việc có thể chuyển hóa từ hình sự sang hành chính;
Phó GĐ Công an tỉnh Nguyễn Văn An hiến kế về việc xem xét, chỉnh sửa các quy định của Luật cho phù hợp với thực tiễn áp dụng
Một số đối tượng là doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra có thái độ không hợp tác nhưng không có chế tài phù hợp để xử lý; các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện về phương tiện, công nghệ thông tin, trang thiết bị để xác định đối với những hành vi vi phạm công nghệ cao, tinh vi, vi phạm trong lĩnh vực môi trường… hỗ trợ công tác thi hành pháp luật còn hạn chế…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Xử lý VPHC
Hội nghị đã đề ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC, đề xuất các chính sách pháp lý mới và phương án nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Xử lý VPHC như: tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành; đổi mới cách thức, phương pháp tuyên truyền; phổ biến giáo dục pháp luật; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa các quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi;
Hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC để đảm bảo công tác phối hợp; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực để kịp thời đánh giá đúng thực trạng về tình hình thi hành pháp luật; bố trí, sắp xếp hợp lý lực lượng thanh tra, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xử lý VPHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương…