Đọc hướng dẫn của nhà sản xuất
Việc đầu tiên bạn cần làm là đọc hướng dẫn của nhà sản xuất ô tô, tìm đến mục loại dầu nhớt dành cho xe của mình. Trong điều kiện bình thường, những loại dầu được liệt kê trong hướng dẫn của nhà sản xuất có thể được sử dụng cho xe ôtô của bạn.
Chọn loại dầu nhớt đảm bảo tiêu chuẩn
Đối với loại dầu đảm bảo tiêu chuẩn, trên mỗi hộp đựng dầu đều có mác chứng nhận các tiêu chuẩn. Trong đó 2 loại tiêu chuẩn cơ bản nhất là API và SAE.
Tiêu chuẩn API là tiêu chuẩn về chất lượng được quy định bởi Viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ. Các cấp chất lượng dầu nhớt của động cơ xăng được phân thành API SA, SB, SC… đến cấp mới nhất hiện nay là API SN, chữ cái cuối càng đứng sau thì cấp càng cao hơn.
Trong khi đó, dầu nhớt động cơ diesel được phân thành các cấp từ API từ CA cho đến cao nhất là CJ4. Các loại xe hiện nay đòi hỏi các loại dầu nhớt càng cao cấp càng tốt, đảm bảo các chỉ tiêu như bảo vệ động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ thiết bị xử lý khí xả, v.v..
Tiêu chuẩn SAE là tiêu chuẩn phân loại dầu theo cấp độ nhớt. Cấp độ nhớt SAE biểu thị cho độ đặc loãng của dầu nhớt như SAE 30, 40, 50. Số càng lớn có nghĩa là nhớt càng đặc và khả năng bôi trơn càng tốt.
Chọn đúng loại dầu có độ nhớt phù hợp
Dầu nhớt càng đặc thì khả năng bôi trơn cũng càng tốt. Tuy nhiên, dầu quá đặc sẽ khó len lỏi vào từng ngóc ngách của động cơ và khó có thể bôi trơn động cơ.
Mặt khác, dầu quá loãng sẽ nhanh chóng bị giảm chất lượng, nhất là trong điều kiện động cơ có nhiệt độ cao. Một khi dầu nhớt bị giảm chất lượng, khả năng bảo vệ và bôi trơn của nó cũng bị giảm đáng kể.
Hiểu được các loại dầu nhớt phổ biến
Trên thị trường hiện nay, có 3 loại dầu phổ biến cho động cơ ôtô. Mỗi loại dầu lại phù hợp cho một số loại ôtô nhất định. Hiểu được các loại dầu phổ biến cũng như các ưu, nhược điểm của chúng sẽ giúp bạn chọn được loại dầu phù hợp cho xe của mình.
Ba loại dầu gồm: Dầu gốc khoáng, dầu công nghệ bán tổng hợp và dầu công nghệ tổng hợp toàn phần.