Nông thôn không còn yên tĩnh...
Bị các đối tượng đi làm ăn xa “nhiễm” nghiện về quê lôi kéo, rủ rê; thích tìm cảm giác lạ; lười lao động, không nghề nghiệp, thiếu sự quan tâm của gia đình… là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ ở nông thôn sa vào nghiện ngập.
4 thanh niên sử dụng ma túy trái phép tại nhà nghỉ bị Công an huyện Lộc Hà phát hiện, bắt quả tang ngày 17/9/2019
Mới đây, khoảng 21 giờ 45 phút ngày 17/9, Công an huyện Lộc Hà tiến hành kiểm tra một nhà nghỉ tại xã Thạch Châu (Lộc Hà) thì phát hiện 4 thanh niên đang sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng nói, trong đó có những người chỉ mới… 16 tuổi!
Khi bị bắt, các đối tượng: T.T.S (2003, trú tại xã Thạch Mỹ); N.H.M (SN 2003, trú tại xã Bình Lộc), N.T.H (SN 1993, trú tại xã Thạch Bằng) và N.L.V (SN 2001, trú tại xã Phù Lưu, Lộc Hà) trả lời rất vô tư về chuyện sử dụng ma túy đó là: Do muốn tìm cảm giác lạ!
Khi đã “bập” vào ma túy, để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, đám nghiện tụ tập nhau rồi đi... trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một khi đã “đói thuốc” thì các con nghiện hết sức liều lĩnh khi phạm pháp.
Trần Phúc Dũng (SN 1989, trú tại khối 10, thị trấn Nghèn, Can Lộc) bị nghiện ma túy lâu năm. Để có tiền mua “hàng trắng”, Dũng cả gan đột nhập vào… Viện KSND huyện Can Lộc để trộm cắp tài sản (6/8/2019).
Cơ quan CSĐT tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Phúc Dũng
Khi bị bắt, Dũng còn khai nhận từ 12/2017 đến tháng 8/2019, y còn thực hiện trót lọt 6 vụ trộm cắp tài sản khác trên địa bàn thị trấn Nghèn và xã Thiên Lộc (Can Lộc) với tổng trị giá tài sản thiệt hại khoảng 15 triệu đồng.
Các con nghiện, nếu không trộm cắp, cướp giật, lừa đảo để kiếm tiền mua ma túy thì xoay sang làm “đầu nậu” cung cấp ma túy bằng cách: mua ma túy về chia nhỏ ra, vừa dùng, vừa bán để kiếm tiền lãi “nuôi” cơn nghiện, và trở thành kẻ gieo rắc cái chết trắng.
Sự gia tăng của tệ nạn và tội phạm ma túy, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn kéo theo những phức tạp về TTATXH và là một trong những nguyên nhân tăng một số loại án hình sự và hoạt động phạm tội như: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… khiến nhiều vùng quê không còn bình yên như trước.
“Bây giờ tối đến là phải cửa đóng then cài, ban ngày sang hàng xóm chơi cũng phải khóa lại cẩn thận không thì gà, chó, xe đạp, xe máy, ti vi… dễ mất như chơi”, ông H. ở xã T. (huyện Hương Sơn) tâm sự.
Cuộc chiến trường kỳ…
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 758 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 35 đối tượng có biểu hiện tâm thần, ngáo đá; 608 người nghi nghiện. Trong số người nghiện có tới 513 người không có việc làm, 191 người có việc làm nhưng không ổn định.
Đối tượng nghiện ma túy đá đang điều trị tại Trung tâm Giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Việc quản lý người nghiện tại địa phương nói chung hiện nay cũng đang có rất nhiều khó khăn. Thượng tá Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng Công an huyện Hương Sơn cho biết: “Khi bắt được đối tượng sử dụng ma túy trái phép, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính rồi giao cho chính quyền xã giáo dục, nếu tái phạm mới lập hồ sơ, đưa ra hội đồng xem xét đưa đi cai nghiện. Quá trình này mất rất nhiều thời gian. Trong khi con nghiện sống ngoài cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp”.
“Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chuyên án, vụ án lớn, bóc gỡ nhiều đường dây lớn về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, tội phạm ma túy hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trên tuyến biên giới. Còn tại các địa bàn trọng điểm vẫn tồn tại một số điểm mua bán ma túy nhỏ, phương thức, thủ đoạn luôn thay đổi, gây khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng chức năng…” - Thượng tá Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho hay.
50 tuổi, bị nghiện ma túy nặng, Nguyễn Duy Nghị (trú tại thị trấn Nghèn, Can Lộc) đã tìm cách thỏa mãn cơn nghiện bằng việc mua ma túy về chia nhỏ, bán cho các con nghiện để kiếm lời và sử dụng. Trong ảnh: Nguyễn Duy Nghị và tang vật tại thời điểm bị Công an TX Hồng Lĩnh bắt giữ - tháng 5/2019
Toàn tỉnh đã lập hồ sơ đưa vào cai nghiện giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 111/NĐ-CP là 188 người. Có 100 người được cai nghiện tập trung tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (trong đó có 65 người bắt buộc cai nghiện theo Nghị định 211/NĐ-CP); 213 người cai nghiện bằng uống thuốc methadone, 157 người cai nghiện tại các CLB, 57 người cai nghiện tại gia đình…
“Để công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn có hiệu quả thì các địa phương cần bố trí những người có chuyên môn để thực hiện công tác cai nghiện; chú trọng công tác giải quyết việc làm cũng như quản lý sau cai nghiện, tạo điều kiện thuận lợi để người cai nghiện dễ tái hòa nhập cộng đồng…”, ông Nguyễn Hữu Hường - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho hay.
Cán bộ Hội LHPN phường Nam Hồng và Công an thị xã Hồng Lĩnh trao đổi với thành viên CLB “Tình thương và trách nhiệm” (CLB cai nghiện ma túy tại cộng đồng) trong một buổi sinh hoạt
Thiết nghĩ, để từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy nói chung, ở vùng nông thôn nói riêng, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nguy cơ, tác hại, hậu quả của nó để mỗi người tự giác, tích cực tham gia công tác phòng chống ma túy thì cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc mới có thể trả lại cho các làng quê sự yên bình như vốn có.