Chị Nguyễn Thị Bích Hảo (mặc áo xanh) cùng các học sinh trong một hoạt động của nhà trường.
Bản lĩnh người “mở đường”
Từ một kế toán có công việc ổn định, chị Nguyễn Thị Bích Hảo - Giám đốc điều hành Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du quyết định theo học đại học ngành giáo dục mầm non để thực hiện mô hình xã hội hóa giáo dục đầu tiên ở Hà Tĩnh. Vừa chuẩn bị kiến thức, vừa huy động nguồn vốn, lo thủ tục đất đai, đến năm 1999, chị Hảo dồn toàn lực xây dựng ngôi trường. Chỉ 8 tháng sau, Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du đã bước vào năm học đầu tiên với quy mô hơn 150 cháu, 15 giáo viên (GV).
“Những năm đầu, đời sống người dân thành phố còn nhiều khó khăn, trường tư thục chỉ thu học phí 90 ngàn đồng/cháu. Áp lực kinh tế rất lớn bởi thời gian thu hồi vốn chậm. Nhưng yêu cầu lớn hơn cả là chất lượng dạy học, là xây dựng niềm tin, thương hiệu của ngôi trường tư thục. Phải đến 10 năm sau, chúng tôi mới hết cảnh xoay tiền bù đắp cho hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chỉ sau một vài năm học đầu đã được khẳng định, HS đăng ký học tăng theo cấp số nhân” - chị Hảo chia sẻ.
“Những năm tháng khởi đầu đầy gian khó đó, chị Hảo vừa là người hiệu trưởng bám lớp, bám trường, cứng rắn, cầu toàn trong lãnh đạo; tỷ mẫn hướng dẫn, hỗ trợ đội ngũ GV nâng cao năng lực chuyên môn, vừa là “linh hồn” của phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi, may trang phục văn nghệ, tự thiết kế, trang trí các góc trường, lớp. Nhờ đó, trường đã tiết kiệm được nhiều chi phí trong giai đoạn đầu xây dựng, đồng thời tạo môi trường để các GV phát huy khả năng sáng tạo” - cô Hồ Thị Mỹ Lý - người kế cận chị Hảo, hiện là Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Đội ngũ yêu nghề, mến trẻ
Với nhiều GV trẻ, điều mà họ được Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du đào tạo, rèn giũa không chỉ là sự nghiêm túc trong nghề và những kinh nghiệm quý giá trong xử lý từng tình huống sư phạm mà quan trọng nhất là “biết yêu trẻ như con mình”. Cô Lê Thị Quỳnh kể: “Năm học 2012-2013, lớp 5 tuổi C của tôi có một HS rất nghèo tên là Biện Văn Hợp, ngày ngày cháu được bố đưa đón bằng chiếc xe đạp cũ. Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là cô Hảo qua nhiều lần quan sát đã gặp phụ huynh của em để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình.
Những bữa ăn buffet giúp các bé rèn luyện tính tự lập
Phụ huynh này chia sẻ: Bởi cuộc sống gia đình nghèo khổ, bữa cơm chẳng có gì nên càng quyết tâm cho con đi học ở một ngôi trường được ăn uống đủ chất, được vui chơi, giáo dục tốt. Một ngày bố mẹ cật lực lao động thì con mình được chăm sóc chu đáo, chỉ còn một bữa cơm tối ở nhà, cháu có thể ăn tạm dưa cà mà bố mẹ cũng không quá xót xa. Chúng tôi đã trào nước mắt khi nghe lời tâm tình này và ban giám hiệu nhà trường sau đó đã quyết định miễn tiền học phí cho em”. Câu chuyện ấm tình người này đã được nhà trường chia sẻ, nhân rộng đối với nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn khác.
Gặp cô giáo trẻ Lê Thị Nga, chúng tôi nghe em bày tỏ: “2 năm trước, khi tham gia thi tuyển vào trường, em được hỏi rất nhiều câu về tình yêu nghề và cách xử lý các tình huống chăm sóc con trẻ. Sau này, khi trở thành GV của trường, em mới hiểu, yêu cầu hàng đầu của ban giám hiệu đối với chúng em không phải là bằng cấp, điểm số mà là sự tâm huyết, thương mến trẻ thơ để có thể cống hiến hết mình”.
Tìm hiểu về đội ngũ GV nhà trường, chúng tôi được biết đến nhiều gương mặt có năng khiếu đặc biệt: Cô Lý có khả năng biên đạo múa, cô Nguyên giỏi nghề múa rối, cô Loan có biệt tài kể chuyện… Theo chị Hảo, từ những nhân tố này, đội ngũ GV đang từng ngày được nâng cao năng lực bằng việc tạo môi trường cho họ thường xuyên học tập, hỗ trợ lẫn nhau. Đây chính là nền tảng để nhà trường triển khai thành công nhiều hoạt động như: Sân chơi tập thể, bữa ăn buffer, tham quan trải nghiệm…