Các thành viên của đội thi Hà Tĩnh tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Sau nửa tháng tập luyện, ngày 6/11/2023, 9 thành viên đội thi Hà Tĩnh là cán bộ hội nông dân, đoàn viên, giáo viên... đã lên đường tham dự vòng thi toàn quốc, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV diễn ra vào ngày 8/11.
Tham gia hội thi có 14 đội được chọn từ vòng thi khu vực, gồm đội thi các tỉnh, TP: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
Với tinh thần quyết tâm cao và sáng tạo, đội thi Hà Tĩnh đã thể hiện tốt cả 3 phần thi (giới thiệu, lý thuyết và tiểu phẩm) và xuất sắc giành giải nhất.
Trong phần thi của đội tỉnh Hà Tĩnh, ấn tượng và xúc động nhất là tiểu phẩm “Tình đất, tình người”. Những làn điệu dân ca nhẹ nhàng, sâu lắng xen giữa các trích đoạn hòa giải đã giúp khán giả cũng như ban giám khảo dễ dàng hình dung, hiểu rõ câu chuyện.
Video: Trích đoạn phần thi tiểu phẩm “Tình đất, tình người” của đội Hà Tĩnh.
Theo chia sẻ của thầy giáo Phan Đăng Thuận (giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) - người viết kịch bản, đạo diễn phần thi giới thiệu và tiểu phẩm - tiểu phẩm “Tình đất, tình người” được dựa trên một số câu chuyện có thật tại địa phương.
Nội dung tiểu phẩm tái hiện lại tranh chấp thừa kế tài sản do cha mẹ để lại giữa hai anh em ruột. Dựa trên kịch bản, các hòa giải viên đã khéo léo phân tích cho các bên tranh chấp về quy định pháp luật có liên quan, đồng thời nhẹ nhàng dùng cái “tình” để khuyên giải các bên hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn tình cảm anh em.
"Tôi đã khai thác làn điệu dân ca ví, giặm để tạo điểm nhấn, sự riêng biệt cho phần thi giới thiệu và tiểu phẩm. Cái khó nhất của phần này chính là làm thế nào để kết hợp được nội dung pháp luật trong các tiết mục nghệ thuật, vừa không làm “khô” câu chuyện, vừa giúp người xem dễ hiểu, dễ hình dung và giúp tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Chính sự nhuần nhuyễn, khéo léo thể hiện của các thành viên trong đội và nét đặc trưng của dân ca ví, giặm đã làm nên thành công cho cả phần thi" - thầy giáo Phan Đăng Thuận bộc bạch.
Đội thi Hà Tĩnh trong phần thi lý thuyết.
Anh Nguyễn Bá Thiết - Đội trưởng đội thi cho biết: “Sau khi giành giải nhất khu vực miền Bắc, đội đã bắt tay ngay vào công tác tập luyện để sẵn sàng cho vòng thi toàn quốc. Xác định đây là cơ hội để chúng tôi có thể cọ xát, học hỏi kinh nghiệm với các đội tỉnh bạn, vì thế ai cũng tập luyện với tinh thần tập trung nhất. Đặc biệt, với mong muốn tạo dấu ấn tại cuộc thi, chúng tôi đã đưa làn điệu dân ca ví, giặm vào phần thi, từ đó đã lồng ghép được những kiến thức về pháp luật, kỹ năng hoà giải tới người xem.
Đó cũng là điều khiến chúng tôi tự hào, bởi một lần nữa làn điệu dân ca ví, giặm lại được vang lên tại một sân khấu lớn của toàn quốc. Với chúng tôi, dù cuộc thi đã kết thúc nhưng những dấu ấn vẫn còn dư âm mãi. Kết quả đạt được hôm nay cũng là động lực cho những hoà giải viên tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn trong công việc”.
Chính sự nhuần nhuyễn, khéo léo thể hiện của các thành viên trong đội và nét đặc trưng của dân ca ví, giặm đã làm nên thành công cho phần thi.
Chia sẻ về bí quyết giành giải nhất tại hội thi, bà Thiều Thị Chiên - Phó Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết: “Là người theo sát với đội thi ngay từ vòng thi khu vực, tôi thấy được sự nỗ lực, tâm huyết của từng thành viên trong mỗi phần thi. Đội dự thi của chúng tôi chỉ có 15 ngày tập luyện để thi theo đúng lịch của Ban Tổ chức, do đó, tất cả các thành viên tham dự đều hăng say tập luyện cả ngày lẫn đêm, có những người có con nhỏ, bận việc gia đình... nhưng tất cả đều cố gắng gác lại để ôn luyện các phần thi thật tốt”.
Cũng theo bà Chiên, đây là hội thi về pháp luật nên nội dung các phần thi yêu cầu có hàm lượng kiến thức pháp luật cao, các thành viên đội thi phải có hiểu biết pháp luật tốt.
Do đó, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) đã tham mưu với lãnh đạo sở phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo huyện Kỳ Anh trong việc xây dựng và duyệt kịch bản các phần thi. Đồng thời, hỗ trợ tối đa các thành viên trong quá trình ôn tập kiến thức pháp luật theo hướng dẫn của Ban Tổ chức.
Giải nhất là phần thưởng xứng đáng sau những nỗ lực, quyết tâm của đội thi Hà Tĩnh.
Đánh giá về sức lan tỏa của hội thi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Đinh Văn Hồng cho biết: “Thông qua hội thi, những nội dung pháp luật đã được truyền tải đến khán giả và người dân một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh được sự cứng nhắc, khô khan. Bằng ngôn ngữ thân thiện, các phần thi của đội đã đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người Hà Tĩnh đến với khán giả cả nước và những kết quả trong công tác hoà giải ở cơ sở của tỉnh nhà".
"Hội thi là diễn đàn để các hòa giải viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để tiếp tục cống hiến cho công tác này” - ông Hồng nhấn mạnh.