Mất việc làm tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, anh Nguyễn Xuân Đồng (quê Hà Tĩnh) vẫn bám trụ lại TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh tìm việc làm thời vụ.
Mất việc làm và nỗi lo mất tết!
Gần 5 năm làm công nhân cơ khí tại Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất Kiến Hùng ở Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh), nay bị mất việc đột ngột, tết đang cận kề khiến cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Xuân Đồng (SN 1980, trú thôn 7, xã Đức Bồng, Vũ Quang) vốn đã khó khăn nay càng chật vật.
Anh Đồng cho biết: “Năm nay, sau dịch, cứ nghĩ công việc ổn định trở lại sẽ có thể tăng ca, thậm chí đăng ký làm xuyên tết để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, hơn hai tháng nay, tôi phải nghỉ việc dài hạn vì công ty không có đơn hàng. Mọi dự định đành gác lại. Hiện tại, tôi đang cố gắng xin việc làm thời vụ để lo cho gia đình”.
Chị Lưu Thị Thanh (vợ anh Đồng) phải chi tiêu tiết kiệm và cân đối các khoản trong thời gian khó khăn do thiếu việc làm.
Vợ anh Đồng - chị Lưu Thị Thanh (SN 1985) may mắn hơn khi vẫn còn việc làm nhưng những tháng gần đây, đơn hàng của công ty chị đã bị cắt giảm 60% so với trước khiến thu nhập của công nhân giảm rất nhiều. “Thời điểm này khó khăn cũng không kém gì thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm ngoái, ít đơn hàng đồng nghĩa với việc làm giảm" - chị Thanh chia sẻ.
Thời gian nhàn rỗi này, chị Nguyễn Thị Ngân dành thời gian bên con và tìm việc làm thêm quanh khu trọ ở Khu công nghiệp Tam Phước.
Làm việc tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) hơn 6 năm nay, chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1985, thôn Trung Tiến, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Những năm trước, từ tháng 10 trở đi là đơn hàng về ồ ạt, tôi cùng mọi người làm tăng ca liên tục. Cuối năm, công ty thưởng tết, tặng quà cho công nhân rất chu đáo”.
Thế nhưng năm nay, niềm vui đó không đến với chị và các đồng nghiệp mà thay bằng nỗi lo mất việc luôn thường trực. Đơn hàng của công ty sụt giảm nghiêm trọng, công nhân được cho nghỉ việc luân phiên. Nhiều người đã phải chạy vạy khắp nơi tìm việc làm thêm qua ngày.
“Từ giữa năm nay, tôi và nhiều người thân, bạn bè đồng hương Hà Tĩnh bàn nhau gom góp tiền để về quê đón tết cùng gia đình, không ngờ gần tết, công viêc lại khó khăn như thế này. Mất việc thì coi như mất tết rồi còn đâu” - chị Ngân buồn bã.
Chị Ngân nhận thêm việc dọn dẹp nhà cửa để kiếm thêm thu nhập.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại 44 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các tỉnh phía Nam) có hơn 1.200 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động với khoảng 500.000 lao động bị ảnh hưởng, gần 42.000 lao động bị mất việc.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có đông lao động đang làm việc tại các tỉnh phía Nam với hàng chục nghìn người. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng qua công tác nắm tình hình sơ bộ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, hiện nay, một lượng lớn lao động Hà Tĩnh ở miền Nam bị mất việc, giảm giờ làm, ảnh hưởng thu nhập.
Lao động gần như “kiệt sức” khi dịch bệnh kéo dài, nay lại gặp biến cố mất việc càng khiến đời sống của họ khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều lao động và gia đình vẫn đang phải quay cuồng trong cơn khủng hoảng tìm việc mưu sinh khi tết cận kề.
Công ty CP Sao Mai (Khu công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) có nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Địa phương mong ngóng lao động trở về quê làm việc
Lao động ở miền Nam thất nghiệp trong khi một nghịch lý đang diễn ra là tại Hà Tĩnh, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Hà Tĩnh, những tháng cuối năm 2022, hơn 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, bao bì, thủy sản, xây dựng... trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng gần 3.000 vị trí việc làm; đó là chưa kể đến những đơn vị tuyển dụng lao động thời vụ.
Người lao động tất bật làm việc tại Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh những ngày cuối năm.
Ông Đặng Viết Thực - Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh bày tỏ: “Vừa mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nên chúng tôi cần tuyển rất nhiều lao động. Hy vọng, lao động xa quê đang khó khăn về việc làm quay về làm việc cho các doanh nghiệp ở địa phương”.
Thu hút, kêu gọi lao động tại các tỉnh, thành về quê hương làm việc cũng đang là nỗ lực của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Bá Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Hiện, địa phương đang tích cực phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, Hội Doanh nghiệp, Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại miền Nam để khảo sát tình hình lao động, việc làm cũng như nhu cầu vé tàu xe về quê dịp tết của con em ở miền Nam để kịp thời hỗ trợ. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, động viên lao động xa quê trở về địa phương làm việc khi các dự án trên địa bàn đi vào hoạt động”.
Nhiều doanh nghiêp đầu tư vào Cụm công nghiệp Việt Tiến (Thạch Hà) mở ra nhiều cơ hội cho lao động địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Thái - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh): “Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với một số địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động tập huấn kiến thức về lao động việc làm cho cán bộ; tư vấn, giới thiệu, truyền thông cơ hội việc làm đến người dân, con em xa quê. Cùng với đó, các cấp, ngành, doanh nghiệp đang nỗ lực kêu gọi, chào mời để thu hút lao động. Tuy nhiên, để giữ chân được họ ở lại làm việc lâu dài tại quê hương hay không lại đang là bài toán không hề dễ dàng".
Vì công việc bấp bênh nên từ đầu tháng 11 đến nay, chị Trần Thị Khuyên (xã Quang Thọ, Vũ Quang) đang làm việc tại Đồng Nai phải kiếm việc làm thêm để có thêm thu nhập.
Dù đang trong tình cảnh việc làm bấp bênh ở Đồng Nai, nhưng khi được hỏi, thời gian tới có dự định về quê làm việc không thì chị Trần Thị Khuyên (SN 1980, ở thôn 3, xã Quang Thọ, Vũ Quang) vẫn hết sức do dự.
Chị Khuyên bày tỏ: “Tôi thấy, mức lương tại các doanh nghiệp Hà Tĩnh thấp hơn các thành phố lớn; cơ hội “nhảy việc” không nhiều. Nếu tìm được doanh nghiệp nào ở quê có chế độ lương thưởng cao, phúc lợi tốt thì tôi mới cân nhắc chuyện về hay tiếp tục ở lại miền Nam tìm kiếm việc làm”.
Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều lao động Hà Tĩnh xa quê. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, lao động làm việc ở thành phố lớn mức thu nhập có thể cao hơn nhưng mức sống, nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống cũng theo đó cao hơn rất nhiều, chưa tính đến chi phí đi lại mỗi lần về thăm quê.
Ở địa phương, mức lương thấp hơn nhưng bù lại, người lao động được ở gần gia đình, mức tiêu dùng ít hơn. Hơn nữa, hiện nay, Hà Tĩnh cũng đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Thiết nghĩ, người lao động cũng cần cần nhắc kỹ càng và sớm đưa ra lựa chọn về quê làm việc, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.