Đã có rất nhiều câu chuyện xúc động được ghi lại về tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào miền Nam. Thiếu tướng Phan Văn Xoàn - người nhiều năm bảo vệ Bác từng kể rằng: “Có lẽ tình cảm yêu thương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Cây vú sữa, tấm bản đồ, đó là những nơi Bác thường đối diện, trầm tư.
Thỉnh thoảng, Bác chỉ vật này, hay vật kia và hỏi tôi. Bác còn bảo tôi kể chuyện đánh du kích ở Bạc Liêu cho Bác nghe và dặn: Chú ra đây hãy cố gắng học tập thêm. Mai mốt thống nhất miền Nam còn cần nhiều cán bộ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu anh hùng, dũng sĩ miền Nam trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc (năm 1969). Ảnh tư liệu
Vào các dịp lễ tết, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam tập kết. Bác bảo: Các cháu xa nhà, xa quê, mong người thân lắm, để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn. Vậy là Bác đi khi Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng. Hồi đi thăm Trung Quốc, Bác nghỉ lại Nam Ninh ghé thăm Trường Thiếu nhi miền Nam của ta trên đất bạn. Lúc sắp ra về, Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”, các cháu quây tròn không muốn cho Bác về.
Trong rất nhiều câu chuyện xúc động về Bác, chuyện kể của anh Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng đoàn đại biểu đầu tiên của miền Nam ra thăm Bác là một câu chuyện giản dị, giàu cảm xúc. Năm ấy (1962), anh Hiếu đem theo một chiếc lọ bằng vỏ đạn kính tặng Bác và nói: “Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”.
Cùng tiếp có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Xuân Thủy. Đồng chí Xuân Thủy hỏi: “Thưa Bác có quà gì tặng miền Nam không ạ?”. Bác yên lặng một lúc rồi đưa tay chỉ về phía trái tim và nói: “Quà tặng miền Nam chỉ có cái này”. Mọi người xúc động, rưng rưng nước mắt” (2).
Năm 1949, đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc quây quần bên Hồ Chủ tịch. Ảnh tư liệu.
Khát khao được vào miền Nam thăm hỏi đồng bào, đồng chí, trong những năm tháng miền Nam chiến đấu chống Mỹ ác liệt, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng Bác Hồ đã nhiều lần đề nghị với Bộ Chính trị bố trí để Bác vào Nam. Thấy tình hình còn khó khăn, việc vào Nam chưa thuận tiện nên các đồng chí trong Bộ Chính trị đề nghị Bác đến khi đánh thắng Mỹ, sẽ đón Bác vào.
Từ sau tết Mậu Thân năm 1968, Bác Hồ đã thấy sức khỏe có chiều giảm sút mà cuộc kháng chiến chống Mỹ không thể giải quyết ngày một, ngày hai nên Bác nêu vấn đề bố trí cho Bác vào miền Nam trước ngày giải phóng một cách kiên quyết hơn.
Bác giao cho đồng chí giúp việc bố trí để Bác gặp người chăm lo tổ chức, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và miền Nam ra Bắc. Những lúc gặp, Bác thường hỏi tỉ mỉ cách đi, cách chuẩn bị, những khó khăn và thuận lợi. Bác còn dành thời gian đi bộ, tập leo dốc để rèn luyện sức khỏe.
Sau khi thấy việc tổ chức đi đường bộ không thực hiện được, Bác đề nghị đi đường biển. Bác nói: Những năm tháng đi tìm đường cứu nước, Bác đã từng làm thủy thủ vượt đại dương, quen với sóng gió. Nay tuổi cao nhưng Bác vẫn đi được. Các chú đừng lo.
Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam tại Phủ Chủ tịch vào tháng 11/1965. Ảnh tư liệu
Ngày 10/3/1968, Bác viết thư cho đồng chí Lê Duẩn nói rõ ý định ấy và nêu cách đi, cả thời gian, lịch trình chuyến đi. Trong thư Bác viết có đoạn: “Nhớ lại ngày Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trong ấy đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em...”.
Nỗi nhớ mong được vào thăm miền Nam luôn cháy bỏng tâm can Người. Lần đó, năm 1957, về thăm tỉnh Quảng Bình, Bác đã hỏi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Sáng hôm qua từ Hà Nội vào đây mất mấy giờ, chú Thanh nhỉ? Thưa Bác, mất năm mươi bảy phút. Bác hỏi: Có đến năm trăm cây số không? Thưa Bác: Đường bộ đi thì hơn, nhưng đường máy bay có lẽ không đến. Sau ngày thống nhất nước nhà, đi Hà Nội - Sài Gòn bằng phản lực có lẽ chỉ mất vài tiếng? Vâng chỉ khoảng đó thôi. Bác hạ giọng! Bác ngừng nói và thoáng nghe Bác khẽ thở dài. Bác đang nghĩ đến đồng bào miền Nam.
Và, không phải bây giờ mà lúc nào nói đến đồng bào miền Nam là Bác rơm rớm nước mắt. Phải chăng khi đến Quảng Bình là sắp vào đến miền Nam (3). Phải rồi “Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác/ Bác thường trăn trở, nhớ miền Nam” (4).
Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng. Ảnh tư liệu.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng kể: Năm 1968, ông lại có dịp ra Bắc báo cáo tình hình với Bác, lúc này Bác đang mệt. Được ăn cơm với Bác, thấy Bác ăn rất ngon lành. Sau đó, anh Vũ Kỳ cho biết, Bác cố gắng như vậy là để các anh về nói lại cho đồng bào miền Nam yên tâm. Bác biết rằng, nếu đồng bào, chiến sĩ miền Nam hay tin Bác mệt sẽ lo lắng biết bao nhiêu.
Anh Vũ Kỳ cũng từng cho biết: Hằng ngày, Bác vẫn yêu cầu cán bộ Bộ Tổng tham mưu sang báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Nam (5). Và cho đến những giây phút cuối đời, Người vẫn theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam những tình cảm thiêng liêng, cao quý. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn mong muốn chờ ngày đất nước thống nhất với ý định “đến ngày đó tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc”, được vào thăm Nhân dân miền Nam.
Khát vọng thống nhất non sông của Người đã thành hiện thực. Những ngày này, kỷ niệm 46 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi chúng ta càng thấy tự hào về Đảng quang vinh, càng thương nhớ, biết ơn công lao to lớn của Người - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
(1), (4): Thơ Tố Hữu. (2): Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ. NXB Thông tấn. HN 2003. tr 206-207. (3): Những tháng năm bên Bác - NXB CAND HN 2005, T134. (5): Theo Thư ký Bác Hồ kể chuyện - Vũ Kỳ - NXBCTQG. HN 2005, tr 477-478.