Khoảng 14h chiều, khi thủy triều rút, những người phụ nữ ở làng biển Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) lại cần mẫn men theo các bãi đá và bãi bồi quanh chân cầu Cửa Nhượng để đục hàu, cào ốc sắt. Công việc này tuy vất vả nhưng bù lại mang về nguồn thu nhập khá nên ai cũng miệt mài, nhất là những ngày cuối năm âm lịch này.
Chị Nguyễn Thị Liên (SN 1975, trú thôn Liên Thành, xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: Công việc đẽo đá đục hàu kéo dài quanh năm, tuy nhiên, vào dịp cuối năm thường hối hả hơn với chúng tôi. Bởi, đây là thời điểm giáp tết, chị em ai cũng muốn có thêm thu nhập nên chịu khó đi sớm và về muộn hơn ngày thường để khai thác được nhiều "lộc biển".
Cũng theo chị Liên, nơi chị sinh sống không có đất nông nghiệp để canh tác, kinh tế phụ thuộc vào biển để mưu sinh. Đàn ông đi biển đánh cá, phụ nữ ngoài thời gian đi chợ bán cá còn mang theo dụng cụ để cào ốc, đục hàu, bắt hải sản... kiếm thêm thu nhập.
Chị Liên phấn khởi nói: "Sau hơn 4 tiếng cần mẫn bên những mõm đá, tôi đục được hơn 20 kg hàu đá, bán hơn 250 nghìn đồng. Thành quả lao động hôm nay giúp tôi có thêm nguồn thu trang trải dịp tết. Hy vọng những ngày tới thời tiết thuận lợi để bà con miền biển chúng tôi có thể khai thác được nhiều hàu, ốc hơn".
Hàu thường bám trên nhưng mõm đá, chân cầu. Khi nước rút, chị em phụ nữ ven biển ở Cẩm Xuyên lại rủ nhau ra chân cầu Cửa Nhượng để đục hàu.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Băng (SN 1960, ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) cũng đang cạy từng con hàu trên các phiến đá trôi dạt trên mặt cát. Mỗi một con hàu bật ra khỏi đá, bà Băng lại khấp khởi một niềm vui khó tả. Gần 20 năm qua, dù đông giá hay nắng gắt, bà Băng luôn cố gắng bám trụ với nghề để có đồng ra đồng vào.
Tuổi đã cao, cộng thêm trời lạnh hanh hao những ngày cuối năm khiến công việc của bà Băng thêm phần cực nhọc. Bà Băng tâm sự: Cuộc sống gắn liền với biển nên dù mưa, lạnh giá, chúng tôi cũng không bỏ công việc của mình, nhất là mùa tết. Nhờ công việc này, trung bình tôi kiếm được từ 100 - 200 nghìn đồng/ngày, nuôi dạy các con ăn học trưởng thành.
Ngoài đục hàu, nhiều phụ nữ miền biển Cẩm Xuyên còn rủ nhau đi cào ốc sắt. Công việc này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt vì phải di chuyển nhiều, kéo nặng, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt trong thời gian dài.
Chị Hoàng Thị Tuyền (thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: Nghề cào ốc sắt thường đi theo con nước, thủy triều rút lúc nào thì đi lúc đó. Vào mùa đông thì rét buốt, mùa hè thì nắng gắt, nhiều lúc muốn nghỉ, nhưng nếu không làm thì nhà 5 miệng ăn không biết trông vào đâu. Hơn nữa, tết đang đến gần nên chị em chúng tôi ai cũng bảo nhau cố gắng để có một cái tết ấm hơn.
Thành quả sau một buổi chiều ngâm mình dưới nước cào ốc của chị Tuyền là những chiếc bì đựng đầy ốc sắt. Chị Tuyền cho biết: Mấy hôm nay thời tiết thuận lợi nên ngày nào tôi cũng thu được từ 50 - 60 kg ốc sắt. Loại ốc này được các hộ nuôi tôm mua về xay nhuyễn làm thức ăn cho tôm với giá 4 nghìn đồng/kg.
Cũng như những người lao động khác, những ngày cận tết, phụ nữ miền biển Cẩm Xuyên lại tất tả mưu sinh. Với họ, những giỏ hàu, ốc... chính là động lực để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Cũng chính vì lẽ đó mà bà con nơi đây luôn mong mưa thuận gió hòa, “lộc biển” ngày càng nhiều để cuộc sống bớt nhọc nhằn.